Những năm qua, cây quế mang lại cho địa phương nguồn thu lớn. Năm 2020, giá quế được 30.000 đồng/kg vỏ tươi, cành tươi 2.500 đồng/kg, lá quế 1.500 đồng/kg.
Đồng chí Thiều Văn Chạn - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi cho biết: "Hiện nay, diện tích có thể mở rộng trồng mới cây quế trên địa bàn xã là không còn. Vì vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc, thâm canh tốt hơn nữa để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây quế. Nhờ có nguồn thu từ cây quế nhiều năm qua đã giúp người dân địa phương đạt thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 23 triệu đồng, năm 2020 dự ước đạt 28 triệu đồng”.
Trên địa bàn xã hiện nay có hộ ông Đặng Văn Thanh ở thôn 1 Vàn trồng 10 ha quế, nhiều hộ khác trồng từ 4 - 6 ha quế đã cho thu nhập cao, ổn định hàng năm.
Với sự hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp huyện, người trồng quế xã Phúc Lợi đã biết áp dụng vào sản xuất và trao đổi cách trồng, chăm sóc, thâm canh với các hộ khác để đạt hiệu quả, giá trị kinh tế cao nhất có thể từ cây quế. 3 năm qua, Phúc Lợi là 1 trong 3 xã của tỉnh Yên Bái được hưởng lợi từ Dự án khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình trồng mới và thâm canh cây quế gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020.
Dự án này đã đáp ứng nguyện vọng của người trồng quế cũng là chia sẻ của đồng chí Thiều Văn Chạn - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi về định hướng phát triển cây quế của địa phương. Thực hiện thâm canh 20 ha, có 20 hộ được lựa chọn tham gia mô hình đã bước đầu thay đổi ít nhiều nhận thức về việc sử dụng các giống mới như giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật và sự cần thiết phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng mới và thâm canh rừng; khả năng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng thâm canh, thâm canh rừng trồng.
Bà Nguyễn Thị Liên ở thôn 1 Thuồng tham gia Dự án cho hay: "Tham gia mô hình và được tập huấn kỹ thuật, tôi đã nhận ra nhiều điều như phải mua cây quế giống có nguồn gốc rõ ràng hay nếu bón phân đúng, đủ thì lá quế không bị vàng nữa”. Đã hết thời gian thực hiện Dự án nhưng bà Triệu Thị Duyên ở thôn 2 Túc khẳng định: "Tôi sẽ vẫn áp dụng đúng quy trình thâm canh cây quế đã được tập huấn kỹ thuật. Vì tôi thấy hiệu quả thâm canh cây quế rất tốt, khác hẳn so với những đồi quế bên cạnh không được chăm sóc”.
Dự án qua 3 năm triển khai đã trở nên thiết thực hơn khi có nhiều hộ dân địa phương được tận mắt chứng kiến sự khác nhau giữa những đồi quế của hộ không đầu tư thâm canh với những đồi quế được thâm canh. Họ mong muốn được tham gia thực hiện mô hình hoặc có hình thức tương tự như vậy để được trực tiếp hưởng lợi.
Điều quan trọng hơn và có ý nghĩa thiết thực rất lớn từ Dự án mang lại là việc thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với những hộ dân tham gia thực hiện mô hình thâm canh quế ở Phúc Lợi. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm đầu tư thâm canh quế của các hộ gia đình, góp phần nâng cao giá trị cây quế, nâng cao thu nhập cho người trồng quế địa phương.
Nguyễn Thơm