Ông Hoàng Quang Thẩm – Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: "Bình quân mỗi năm, nhân dân xã Tân Thịnh khai thác trên 100 ha rừng trồng, thu về trên 8 tỷ đồng chưa trừ chi phí. Nghề rừng đã thực sự trở thành một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Tân Thịnh. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm, xã trồng mới trên dưới 100 rừng các loại. Phần lớn các diện tích này đều là rừng kinh tế do nhân dân tự bỏ vốn, mua hạt, cây giống về trồng, đã có rất nhiều hộ vươn lên khá, giàu nhờ những mô hình rừng cho hiệu quả kinh tế cao”.
Phát triển kinh tế từ trồng rừng cũng là hướng đi được anh Bàn Tiến Thọ ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành lựa chọn từ nhiều năm nay. Từ kinh tế rừng, chế biến gỗ rừng trồng và bán vỏ quế, anh không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình.
Để rút ngắn chu kỳ khai thác, anh Thọ đã trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật để cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế.
Hiện, gia đình anh có gần 4 ha rừng, chủ yếu là rừng kinh tế. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ quế cũng được khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ chăm sóc diện tích rừng của gia đình mà anh Thọ còn tham gia quản lý và bảo vệ rừng của thôn do xã và Hạt Kiểm lâm huyện giao khoán.
Huyện Văn Chấn hiện có trên 65.000 ha rừng các loại, giao khoán bảo vệ trên 33.000 ha rừng, trong đó trên 16.000 ha có cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Với điều kiện thuận lợi, hiệu quả từ kinh tế rừng mang lại đã và đang giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Do vậy, xác định lợi ích to lớn của việc trồng rừng kinh tế trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt chương trình trồng rừng kinh tế để từng bước giảm nghèo; đồng thời, có các chính sách hỗ trợ để trồng rừng kinh tế từ các loại giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Xác định trồng rừng kinh tế là hướng đi trọng tâm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, trên cơ sở sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã quan tâm xây dựng kế hoạch chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đưa các loại cây keo lai, bạch đàn mới vào sản xuất. Để có đầu ra thuận lợi, huyện cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến gỗ, thu mua lâm sản.
Năm 2020, toàn huyện trồng mới trên 3.650 ha rừng các loại. Trong đó, các công ty, doanh nghiệp trồng 175 ha, hỗ trợ theo chính sách của tỉnh và huyện trồng 574 ha, người dân tự bỏ vốn trồng trên 2.900 ha, chủ yếu là các loại cây: quế, bồ đề, keo lai…, tỷ lệ độ che phủ của rừng trên 58%. Trong năm, nhân dân cũng đã khai thác gần 45.000 m3 gỗ rừng trồng; trên 13.000 tấn vỏ, cành và lá quế.
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Hạt đã kịp thời triển khai các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước về trồng rừng kinh tế, rà soát các diện tích đất trống, đất vườn tạp kém hiệu quả để thiết kế trồng rừng. Người dân cũng rất tích cực trồng và chăm sóc các diện tích rừng nói chung và rừng kinh tế nói riêng để nâng cao thu nhập”.
Có thể khẳng định rằng, công tác trồng rừng kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân trên địa bàn huyện Văn Chấn. Để tiếp tục đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp.
Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương, các ngành đoàn thể, nhất là Hạt Kiểm lâm huyện tập trung tham mưu cho huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển cây lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế từ rừng trồng hiệu quả; làm tốt công tác trồng, phát triển rừng, gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng, đưa các giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng vào trồng kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.
Ngọc Lan (Trung tâm TT&VH Văn Chấn)