Chúng tôi về xã Kiên Thành, nơi có diện tích đất lâm nghiệp lớn của huyện Trấn Yên. Những quả đồi được phủ xanh bởi bạt ngàn quế, tre măng Bát độ và các loại cây nguyên liệu.
Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: "Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, những năm qua, xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: quế, keo, tre măng Bát độ vào sản xuất. Năm nay, xã phấn đấu trồng mới 212 ha rừng và ngay từ đầu năm nhân dân các thôn đã đồng loạt ra quân trồng rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng mới được 201,5 ha, đạt 95% kế hoạch”.
Kiên Thành hiện nay đã hình thành vững chắc được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn tạo điều kiện các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ dân trong thu mua và chế biến sản phẩm lâm sản theo chuỗi liên kết như vùng trồng quế hơn 2.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu trên 1.000 ha.
Đặc biệt, Kiên Thành được coi là thủ phủ măng tre Bát độ của tỉnh Yên Bái với diện tích lên đến 1.800 ha, sản lượng măng tươi đạt khoảng 32 nghìn tấn, giá trị thu nhập đạt trên 30 tỷ đồng.
"Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng, đến nay thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%” - ông Dương Kim Hưng cho biết thêm.
Huyện Trấn Yên có trên 51.000 ha đất lâm nghiệp, đây là thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng. Khai thác triệt để thế mạnh này, huyện đã giao đất giao rừng cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng; khuyến khích trồng rừng gắn với phát triển công nghệ chế biến lâm sản.
Đặc biệt, ngay những ngày đầu năm mới, huyện phát động Phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với sự tham gia của toàn thể cán bộ nhân dân trên địa bàn.
Nhờ đó, phong trào trồng rừng ở các địa phương diễn ra mạnh mẽ. Tính riêng 2020, toàn huyện trồng mới trên 2.900 ha rừng các loại, đưa độ che phủ rừng đạt 70%.
Đến nay, Trấn Yên đã hình thành các vùng trồng rừng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến như: vùng tre Bát độ trên 3.570 ha, vùng quế 16.000 ha và vùng gỗ nguyên liệu 26.000 ha.
Bên cạnh việc trồng rừng, Trấn Yên đã thu hoạch được 29.600 tấn măng tre Bát độ thương phẩm; 3.800 tấn quế vỏ, khai thác trên 100.000 m khối gỗ rừng trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu. Để có những con số ấn tượng trên, những năm qua Trấn Yên luôn làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt diễn biến tài nguyên rừng.
Nhờ nắm sát diễn biến tài nguyên rừng của từng địa phương nên hàng năm việc giao kế hoạch trồng rừng sát với thực tế. Ngay sau khi nhận được chỉ tiêu kế hoạch giao, các xã làm thủ tục để triển khai thực hiện được sớm nhất; cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra hiện trường trồng rừng.
Cùng đó, các vườn ươm chủ động ươm cây từ cuối năm trước, nên khi vào vụ trồng rừng, nguồn cây giống đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân.
Ông Đỗ Văn Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên cho biết: Năm nay, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng mới trên 2.750 ha rừng. Để hoàn thành kế hoạch này, huyện đã sớm xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân.
Huyện đã tổ chức phát động Tết trồng cây vào dịp đầu xuân. Qua đó, thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Ngay trong ngày đầu ra quân tổ chức Tết trồng cây xuân 2021, toàn huyện đã trồng được 877 ha rừng tập trung và 611.000 cây phân tán.
"Đến thời điểm này, đã trồng mới được trên 1.488,6 ha, đạt 51% kế hoạch. Trấn Yên phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng ngay trong vụ xuân” - ông Hùng nói.
Ngọc Trúc