Sau nhiều nỗ lực của nhân dân và các HTX chế biến chè ở Suối Giàng, năm 2020, sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã có bước tiến lớn khi tiếp tục chinh phục được những thị trường trà khó tính trên thế giới.
Tiếp đó, năm 2019, Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng được thành lập với mục tiêu gắn kết các hộ đồng bào Mông, bảo tồn phát triển chè Shan tuyết cổ thụ và bảo tồn văn hóa bản địa; kết hợp sản xuất kinh doanh chè với phát triển du lịch. Hoạt động của HTX đã gắn kết các hộ cùng sản xuất theo quy trình, đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng lần lượt đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng Đào Đức Hiếu cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, những cây chè ở đây rất có giá trị mà chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập HTX để giúp bảo tồn phát huy giá trị của sản phẩm chè Shan tuyết, giúp đời sống đồng bào Mông được nâng cao. Hiện, chúng tôi đang có 4 sản phẩm chất lượng cao chinh phục được các thị trường khó tính trên thế giới là Diệp Trà, Bạch Trà, Hoàng Trà và Hồng Trà”.
Chung niềm vui với đồng bào Mông Suối Giàng, những ngày đầu năm mới này, thành viên của HTX Cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp xã Bình Thuận cũng rất phấn khởi khi sản phẩm cam Đường Canh của HTX được tiêu thụ hết. Trong khi thị trường tiêu thụ cam ở nhiều địa phương khá ảm đạm thì 300 tấn cam Đường Canh của xã viên vẫn tiêu thụ với giá bán trung bình 16.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Đó là thành quả từ việc áp dụng quy trình sản xuất cam sạch theo hướng hữu cơ mà HTX đã định hướng, hướng dẫn nhân dân. Đặc biệt, việc tuân thủ quy trình và sản xuất ra các sản phẩm sạch, có chất lượng, sản phẩm cam của HTX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2019 và đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cuối năm 2020.
Anh Nguyễn Văn Lâm - thành viên HTX Cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp xã Bình Thuận cho biết: "Khi tham gia vào HTX, các thành viên đã được hướng dẫn trồng chăm sóc một cách bài bản, cho ra các sản phẩm cam chất lượng. Chúng tôi đang nỗ lực nâng cao chất lượng cam quả, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cam Văn Chấn”.
Thực hiện chủ trương khuyến khích mở rộng các loại hình kinh tế tập thể, những năm qua, huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp động viên, khuyến khích tạo điều kiện để các nông hộ liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã cử cán bộ, trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn, lựa chọn sản phẩm, động viên các nông hộ liên kết thành lập HTX.
Năm 2020, huyện đã thành lập được 10 HTX, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 64 đơn vị. Hoạt động của HTX đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Năm 2020, có 10 sản phẩm chủ lực của huyện được chứng nhận OCOP. Đặc biệt, có 2 sản phẩm gạo nếp Tan Tú Lệ và ba ba gai Văn Chấn có chỉ dẫn địa lý.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Văn Chấn chia sẻ: "Chúng tôi thấy hầu hết các HTX mới thành lập cũng như chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đều hoạt động đúng luật và làm ăn hiệu quả. Các HTX được thành lập đã đáp ứng nhu cầu của người lao động, hộ sản xuất cá thể, góp phần vào thúc đẩy sản xuất, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất có quy mô lớn hơn".
Hoạt động của HTX đã tác động lớn đến việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung ứng vật tư đầu vào, máy móc cũng như nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Hoạt động của các HTX đã tập hợp, đoàn kết các xã viên phát triển sản xuất có quy mô, chất lượng và hiệu quả hơn. Việc xây dựng các mô hình kinh tế HTX đã và đang tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Trần Van