Theo kế hoạch năm 2021, cả tỉnh phấn đấu phát triển tổng đàn gia súc chính là 752.500 con; trong đó, đàn trâu 98.900 con, bò 35.100 con, lợn 618.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 58.000 tấn.
Để đạt chỉ tiêu kế hoạch, ngành chức năng đã hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết lạnh giá như: tăng cường che chắn chuồng trại cho vật nuôi; dự trữ, chế biến thức ăn cho gia súc trong vụ đông; theo dõi diễn biến của dịch bệnh, có biện pháp phòng trị kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Là hộ chăn nuôi lợn tập trung với quy mô 40 - 50 con, gia đình chị Đỗ Thị Hương, thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn được huyện hỗ trợ 18 triệu đồng theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông, lâm, nghiệp sau dịch bệnh Covid-19 cùng với số tiền tích lũy được, chị đã mạnh dạn tái đàn với số lượng 50 con.
Sau hơn 6 tháng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, giáp tết Nguyên đán Tân Sửu chị Hương xuất bán đàn lợn trên 4 tấn, thu lãi khoảng 75 triệu đồng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, dự ước Yên Bái hiện có trên 93.700 con trâu, giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước; 32.200 con bò, tăng 5,76% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân đàn bò tăng do giá cả thịt bò cao và ổn định người dân đầu tư chăm sóc. Cùng đó, nhiều tổ chức hỗ trợ bò sinh sản cho người chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo như: Dự án WB; đề án hỗ trợ cho người có công; dự án chăn nuôi bò tập trung trên đảo, Quỹ Hỗ trợ nông dân… cộng thêm lượng bò sinh sản được hỗ trợ từ những năm trước đã bắt đầu sinh sản, làm cho tỷ lệ tăng tự nhiên của bò trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) đạt 464.700 con, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng do các huyện, thị xã, thành phố sau khi hết dịch người chăn nuôi bắt đầu cơ cấu lại đàn lợn.
Cùng đó, thực hiện hiệu quả chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học chặt chẽ và các đề án, chính sách hỗ trợ để phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 13/2020/NQ HĐND ngày 14/4/2020 đã khích lệ người chăn nuôi tái đàn trở lại.
Đàn gia cầm đạt trên 6.613.000 con, tăng 19,52% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng là do tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô, hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, "liên kết hộ chăn nuôi” dạng chuỗi khép kín; đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi làm tăng năng suất, hiệu quả của đàn gia cầm.
Song song với việc phát triển đầu đàn, việc tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm được quan tâm hơn nên không xảy ra các ổ dịch; từ đó, đàn gia cầm phát triển ổn định, tăng trưởng.
Để phát huy tốt hơn nữa lĩnh vực chăn nuôi, từng bước hướng đến mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh, ngành chuyên môn cần tiếp tục phối hợp tốt với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người chăn nuôi trong chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Thường xuyên tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo quy trình VietGAP.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao; sử dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát; hệ thống ăn uống tự động; sử dụng chế phẩm sinh học; ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học và công nghệ phòng, chống dịch bệnh.
Từng bước xây dựng đại trà mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các vùng chăn nuôi ở địa phương; chủ động rà soát và thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh, nhất là ở các khu vực từng xuất hiện ổ dịch và có nguy cơ cao. Quan tâm quản lý có hiệu quả hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật và giết mổ động vật.
Quang Thiều