Ở xã Tân Hợp, nhà anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu là hộ có diện tích trồng quế lớn nhất xã với gần 60 ha. Anh Minh kể, từ khi 9,10 tuổi đã biết trồng quế. Đến nay, gần 40 tuổi, tính ra anh đã có thâm niên ba chục năm trồng quế. Anh Minh chia sẻ, giờ cứ mỗi ha quế có giá trị 1 tỷ đồng. Mấy năm nay, quế được giá nên tiền công làm các công việc "ăn theo" rất cao. Như nhà anh, vào mùa thu hoạch quế phải thuê lượng nhân công gần 20 người với mức tiền công thấp nhất là 250 nghìn đồng/người/ngày. Người già, trẻ con cũng đều có thể tham gia vào quy trình sơ chế với mức tiền công khá. Chẳng hạn, trẻ con đập cành cũng có công 100.000đ/ ngày; người già bẻ cọng lá cũng được 60.000 đồng/kg. Trong các công đoạn thì bóc vỏ quế có mức tiền công cao nhất, từ 500.000 đồng/người/ngày trở lên.
Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Triệu Quốc Toản cho biết, nhờ cây quế, 80% số hộ trong tổng số gần 1.300 hộ tại xã được coi là "tỷ phú”, tức là có từ 1ha quế trở lên. Riêng thôn Làng Câu có trên 80% số hộ xây được nhà đẹp, kiên cố trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Cây quế đúng là cây đổi đời của người dân địa phương. "Bản thân mình cũng có 15ha quế. Nhờ quế mà có tiền mua ô tô, làm nhà kiên cố” - Chủ tịch xã Tân Hợp hào hứng nói thêm.
Tưởng rằng Tân Hợp là xã giàu nhất nhờ cây quế, nhưng điều chúng tôi thật sự bất ngờ khi được gặp Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh, mới biết, huyện còn nhiều xã giàu hơn… Theo Chủ tịch Hà Đức Anh, cây quế là loại cây trồng mang lại giá trị cao nhất cho người dân Văn Yên, với khoảng 500 tỷ đồng một năm, chiếm 23% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Từ cây quế, Văn Yên hiện có khoảng 50 sản phẩm, trong đó sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ quế bắt đầu được thị trường quan tâm.
Quế trồng từ 4 năm trở lên là bắt đầu cho chặt tỉa, bán cũng được vài trăm nghìn đồng một mét khối để làm củi. Quế từ 5 năm tuổi trở lên là có thể bóc vỏ, thu lá. Cây càng nhiều tuổi thì lợi nhuận càng cao. Vài năm trở lại đây, khi diện tích quế ở tỉnh Quảng Nam bị thu hẹp thì quế ở Văn Yên càng lên ngôi. Giá nguyên liệu thô rất cao, người dân thu nhập tốt nên hiện nay, tất cả các xã của huyện đều trồng quế, cung cấp nguyên liệu chế biến và các dịch vụ phụ trợ ăn theo như sản xuất cây giống, bóc ván ép… cho gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn hoạt động.
Nếu như trước đây quế chỉ được trồng để lấy vỏ thì nay Văn Yên đã có trên 50 sản phẩm chế biến từ quế. Lá đưa vào chiết xuất tinh dầu cũng được khoảng 300 tấn/năm; sau lấy dầu thì làm chất đốt. 6 nghìn tấn vỏ quế khô thu hoạch được thì chế biến thành quế thanh, quế điếu, quế sáo, quế cắt tròn… Bột quế để làm trà, hương vị thực phẩm hoặc dược liệu.
Sản lượng gỗ quế 65.000m3 thì gia công thành các sản phẩm thủ công lưu niệm như: lọ tăm, điếu cày, đĩa, đèn ngủ, ấm, chén… Điển hình như Anh Đặng Công Long, Thành viên HTX Quế Văn Yên cho biết, nhìn chung các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ quế bắt đầu được thị trường quan tâm, mặc dù giá không rẻ. Ví như HTX của anh mỗi năm cũng bán được chừng 4.000 lọ đựng tăm, với giá 60 nghìn đồng/lọ.
Chủ tịch Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết thêm, cây quế đang lên ngôi nhưng huyện quyết định sẽ dừng ở diện tích 60.000 ha để không rơi vào tình trạng ế thừa và rớt giá sản phẩm. Phù hợp với xu thế chung, cây quế sẽ được tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, từ khâu làm đất, sản xuất giống, chăm sóc đến thu hoạch để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích quế hữu cơ của Văn Yên nay đã là 25.000 ha, chiếm 63% tổng diện tích quế trên địa bàn.
Công việc được ưu tiên hiện nay là huyện mời gọi và tiếp tục có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thiết bị, máy móc để chế biến sâu quế vỏ ngay tại địa bàn. Quế vỏ của Văn Yên hiện mới đang chỉ được sơ chế tại chỗ, sau đó phải chuyển về các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để chế biến sâu thì mới có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản. Sản phẩm quế chế biến tại chỗ vào được thị trường dễ tính hơn như Trung Quốc, Ấn Độ… nên giá trị sản xuất thu được chưa cao, chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm.
Đối với sản phẩm tinh dầu, mỗi năm, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện chiết xuất được khoảng 400 tấn. Do công nghệ chế biến còn thấp nên sản phẩm chủ yếu dùng để xông, làm dầu tắm… trong khi nhu cầu làm hương liệu thực phẩm, dược liệu trên thị trường đang rất cao.
Trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản, hữu cơ được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định có tên cây quế Văn Yên. Như vậy, quế Văn Yên sẽ được tỉnh, huyện tập trung lãnh đạo để hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, quế Văn Yên đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh việc có quy hoạch diện tích rõ ràng, tới đây, các cơ sở chế biến và người trồng quế ở Văn Yên sẽ có cơ hội được thụ hưởng các cơ chế, chính sách của địa phương như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vùng sản xuất nguyên liệu (hạ tầng, giống, vật tư); hỗ trợ khoa học công nghệ (nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao); hỗ trợ phát triển sản phẩm (thiết kế, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thử); hỗ trợ xúc tiến thương mại (đầu tư xây dựng điểm bán hàng, hội chợ, bao bì, mẫu mã…).
Từ cây quế chủ lực làm tiền đề cất cánh, Văn Yên phấn đấu xây dựng nông thôn ngày càng tiến bộ, văn minh, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn được nâng cao - những yếu tố quyết định để huyện miền núi phía Tây tỉnh Yên Bái hạ quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
(Theo dangcongsan.vn)