Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội, khai thác hiệu quả lợi thế của tỉnh, nhất là các mặt hàng nông - lâm thổ sản để tận dụng những cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là triển khai có hiệu quả Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA trên địa bàn một cách cụ thể, đồng bộ.
Các cấp, các ngành chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tích cực hội nhập coi đây là nhiệm vụ, việc làm thường xuyên trong từng lĩnh vực… nâng cao cơ hội tìm kiếm mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các lợi thế từ các hiệp định.
Việc đầu tiên là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, phù hợp với cam kết quốc tế và thực tế. Bên cạnh đó là khai thác các lợi thế của tỉnh, trong vùng và có cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi tạo ra sự đột phá và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhất là những vấn đề liên quan đến đầu tư, tiếp cận đất đai, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, thuế…; công khai minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết; tiếp tục thực hiện Chính phủ điện tử, tăng cường công tác dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 trên hầu hết các lĩnh vực, 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực pháp lý, luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế với cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt từ chính quyền đến doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng cơ chế đặc thù phát triển doanh nghiệp địa phương đây là vấn đề căn cơ, lâu dài để phát triển bền vững; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có giá trị tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; ưu tiên thu hút các dự án FDI, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc… để phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các sản phẩm gỗ rừng trồng, chè, quế, dệt may mà Yên Bái có lợi thế.
Song song với đó là đầu tư đồng bộ hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông; triển khai Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng chiến lược xuất khẩu với các sản phẩm hàng hóa trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, năng lực của ngành chủ lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thực hiện cam kết trong lĩnh vực lao động, việc làm, môi trường, an sinh xã hội… phù hợp với công ước và thông lệ quốc tế.
Triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, bền vững, gắn với chế biến sâu và mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên cho vùng cao, vùng khó khăn với mục tiêu chuyển dịch nhanh kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá ở vùng thấp.
Củng cố và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh hiện có đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP; đào tạo nghề lao động nông thôn, đồng thời mở rộng các loại hình đào tạo để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, các doanh nghiệp... bảo đảm an ninh xã hội và an ninh quốc phòng, bảo vệ tài nguyên, môi trường phát triển bền vững. Đặc biệt quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng cho hội nhập kinh tế quốc tế.
Một vấn đề mấu chốt là công tác thông tin, dự báo, phân tích, đánh giá thị trường làm nền tảng để phát triển hàng hóa kịp thời, giao các ngành các cấp theo từng lĩnh vực thực hiện một cách trách nhiệm, đồng bộ, hiệu quả. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp phát huy thế mạnh, vận dụng cơ chế, chính sách tích cực tham gia, cộng tác các chương trình đầu tư dự án mới, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... thực hiện sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA là một cơ hội để mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, doanh nhân và cư dân nông nghiệp và cũng là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chúng ta cần vào cuộc đồng bộ, nắm bắt, tận dụng tốt, hiệu quả từ các hiệp định.
Ngọc Trúc