Để đưa chăn nuôi thủy sản thành ngành kinh tế chủ lực, cùng với những cơ chế chính sách phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh, huyện cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi thủy sản mang tính đặc thù riêng.
Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền, vận động nhân dân các xã ven hồ, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản…
Nhờ vậy, chăn nuôi thủy sản đã có bước chuyển căn bản từ đánh bắt tự nhiên sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng với khối lượng và chất lượng ngày một cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến nay, Yên Bình thu hút 2 doanh nghiệp, 5 HTX, 11 tổ hợp tác và trên 300 hộ dân đầu tư vào nuôi trên 2.000 lồng, hàng trăm héc-ta eo ngách. Không chỉ có vậy, trên 25% số dân của hàng chục xã, thị trấn ven hồ như: Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Tân Hương, Bảo Ái, Thịnh Hưng... đang mưu sinh bằng đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ Thác Bà.
Chăn nuôi phát triển mạnh cũng đồng nghĩa sản lượng khai thác tăng cao. Năm 2018 mới đạt 7.500 tấn thì hết năm 2020 đã tăng lên 9.000 tấn, giá trị đạt hàng trăm tỷ đồng, đời sống người dân nâng lên.
Những người dân các xã ven hồ trước đây chỉ quen với làm ruộng, làm chè, trồng rừng thì nay biết liên doanh, liên kết, thành lập tổ hợp tác, HTX để nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng chục lồng cá và cả hàng chục héc-ta eo, ngách.
Hồ Thác Bà giờ đây là vựa cá của Yên Bái, các loại thủy đặc sản như: cá nheo, cá lăng, cá trắm cỏ, cá trắm đen... không chỉ tiêu thụ trên địa bàn mà còn về Phú Thọ, Hà Nội phục vụ người tiêu dùng khó tính.
Chỉ tính riêng trong năm 2020 vừa qua, HTX Nuôi trồng thủy sản Thác Bà đã xuất bán trên 120 tấn cá nheo, cá lăng thu về trên 5 tỷ đồng. Hay như HTX thủy sản Hoàng Kim với 225 lồng cá được đầu tư, thiết kế bài bản và nuôi hàng triệu con cá diêu hồng, cá rô phi, cá lăng, cá nheo và cá trắm đen thu 700 tấn cá các loại với giá trị hàng chục tỷ đồng.
Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ T&T đầu tư nuôi trên 110 lồng cá, nuôi hàng vạn con cá trắm đen, cá nheo, cá lăng... năm 2020 sản lượng đạt 1.000 tấn, bán thu trên 29 tỷ đồng.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phấn khởi: "Chăn nuôi thủy sản đến nay thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn. Nhất là trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, tốc độ phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế lớn theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi”.
Yên Bình cũng tích cực thành lập thêm nhiều HTX nuôi trồng thủy sản, liên doanh, liên kết tìm đối tác xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân nuôi trồng thủy sản nói chung và trên vùng hồ Thác Bà nói riêng.
Việc phát triển và chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Yên Bình nói chung và trên vùng hồ Thác Bà nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Để chăn nuôi thủy sản ngày một phát triển hiệu quả, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, đến năm 2025, duy trì và phát triển ổn định từ 2.500 - 3.000 lồng nuôi cá và trên 300 ha mặt nước eo, ngách để nuôi cá theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; sản lượng đạt trên 9.200 tấn, trong đó có 50% xuất khẩu, phấn đấu mỗi héc-ta mặt nước nuôi cá đạt 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kiểm soát việc phát triển số lượng nuôi, dịch bệnh tại các khu vực nuôi cá lồng, cá quây lưới trên hồ Thác Bà, đảm bảo xử lý các sự cố, rủi ro về môi trường trong hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Phát triển mạnh chăn nuôi thủy sản, nhất là các giống đặc sản có giá trị kinh tế cao theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp, hướng đến xuất khẩu đã và đang mở ra hướng phát triển mới ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả.
Ngọc Trúc