Ngay từ những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 trong nước tái bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách Nhà nước.
Trước tình hình này, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Tổng cục Thuế cho biết tính đến hết quý 1/2021, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 347.346 tỷ đồng, đạt 31,1% so với dự toán, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số đó, thu từ dầu thô ước đạt 8.027 tỷ đồng, đạt 34,6% so với dự toán. Thu nội địa ước đạt 339.319 tỷ đồng, bằng 31% so với dự toán, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, năm 2021, dự toán thu ngân sách nhà nước của ngành thuế được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao là 1.116.700 tỷ đồng.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thì nhiệm vụ thu năm nay tiềm ẩn nhiều khó khăn do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Số thu ngân sách quý 1/2021 dự báo sẽ khó khăn hơn cùng kỳ năm 2020 do kinh tế quý 4/2019 tăng trưởng 6,97%, trong khi quý 4/2020 chỉ tăng trưởng 4,48%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp bám sát yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính để thực hiện thật tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao. Tinh thần là chủ động, tích cực, năng động hơn, đạt được kết quả cao hơn năm 2020.
Vì vậy, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường quản lý hóa đơn bán hàng, đồng thời đẩy mạnh đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.
Mặc dù,đang triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, nhưng ngành thuế vẫn có giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát từ Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy 87,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, chỉ có 11% không ảnh hưởng gì và gần 2% vẫn kinh doanh tốt.
Do đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc miễn giảm các loại thuế, phí đã tạo nguồn lực tài chính để doanh nghiệp, cá nhân duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Bộ sẽ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để hỗ trợ ngành hàng không. Ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900 tỷ đồng.
"Đến cuối năm 2020, cơ bản 96% số thuế được gia hạn của các doanh nghiệp đã nộp lại cho ngân sách nhà nước. Điều này thể hiện các doanh nghiệp quý 4/2020 cơ bản đã phục hồi; ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp cũng rất tốt và đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính và ngành thuế đã chung tay cùng nhà nước để thực hiện tốt nghĩa vụ của ngân sách nhà nước,” Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2021 (trên cơ sở kế thừa các mức thu khoản phí, lệ phí đã quy định tại các thông tư giảm phí, lệ phí hỗ trợ COVID-19 đã ban hành năm 2020). Số tiền phí, lệ phí ước giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời, ngành thuế trình Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế về tình hình dịch bệnh COVID-19, về hoạt động của doanh nghiệp cũng như thị trường và các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước để xem xét, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp.
Ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết việc tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên trong năm 2021 chắc chắn sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn.
"Nhưng qua theo dõi diễn biến nền kinh tế và thu ngân sách nhà nước cho thấy, kinh tế đã từng bước phục hồi và có xu hướng chuyển biến tích cực trong các tháng đầu năm 2021. Tôi tin rằng, chính hiệu quả chính sách mang lại sẽ giúp khôi phục nhanh chóng lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, từ đó giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước,” ông Cao Anh Tuấn nói.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng ngân sách sẽ không bị thất thu vì chính sách giảm thuế, phí, lệ phí. Bởi vì, các chính sách này sẽ giúp làm tăng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội từ đó sẽ kích cầu được tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.
Để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, trong thời gian tới cơ quan thuế các cấp sẽ đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Cơ quan thuế tổ chức bộ phận trực hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7, đảm bảo cho người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp đang đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; tổ chức bộ phận trực hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7, đảm bảo cho người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà không phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
(Theo Vietnam+)