Ngay từ những tháng đầu năm 2021, không khí lao động của công nhân các nhà máy, doanh nghiệp SXCN trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi. Tuy còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các đơn vị đã lựa chọn những phương án kinh doanh tối ưu để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.
Theo thống kê của Sở Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2021, toàn tỉnh tăng 32,53% so với tháng trước và tăng 11,13% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I năm 2021, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 10,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong các ngành công nghiệp cấp 2 thì một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ là dệt tăng 20,63%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,39%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 31,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,16%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,04%; sản xuất kim loại tăng 1,54 lần; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 51,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,15%...
Ngoài các ngành có mức tăng trên thì một số ngành giảm so với cùng kỳ năm 2020 do các tháng đầu năm doanh nghiệp nghỉ tết Nguyên đán và nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm chưa cao là khai khoáng khác giảm 13,48%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 8,86%; sản xuất trang phục giảm 16,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 62,96%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu giảm 9,38%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 60%...
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất quý I tăng cao so với cùng kỳ là quặng sắt và tinh sắt chưa nung kết tăng 12,34%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 13,73%; gỗ lạng tăng 19,77%; ván ép từ gỗ tăng 1,64 lần; bao bì và túi bằng giấy tăng 71,79%; giấy làm vàng mã tăng 13,75%; sản phẩm in khác tăng 14,1%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác chưa được phân vào đâu tăng 48,35%; điện sản xuất tăng 66,36%; điện thương phẩm tăng 12,65%...
Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ là quặng chì và tinh quặng chì giảm 27,27%; đá xây dựng khác giảm 25,61%; tinh bột sắn giảm 28,31%; quần áo lót người lớn giảm 31,7%; quần áo trượt tuyết giảm 32,02%; sơn và véc - ni giảm 82,31%; bột mài hoặc đá dăm mài tự nhiên giảm 85,86%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 80,16%...
Để ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục giữ vững thị trường tiêu thụ đã có, khai thác triệt để thị trường tiêu thụ nội địa và chủ động nắm bắt những cơ hội mới trong hoạt động sản xuất.
Cùng đó, các cấp, ngành cần có những giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án SXCN, các dự án thủy điện, các dự án hạ tầng khu, Cụm Công nghiệp Bảo Hưng và Cụm Công nghiệp Minh Quân; có biện pháp, chính sách khuyến khích, thu hút, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tháng 4 và những tháng tiếp theo của năm 2021, Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; ngành công thương Yên Bái sẽ phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; đồng thời, thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới vừa sản xuất, kinh doanh vừa ứng phó với dịch Covid-19.
Quang Thiều