Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, chị Hà Thị Hợp - chủ một cửa hàng thời trang trên đường Thành Công (thành phố Yên Bái) đã lắp đặt và sử dụng hình thức thanh toán QR BIDV (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam). Đây là dịch vụ cho phép khách hàng thanh toán cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ từ tài khoản/thẻ của khách hàng tại ngân hàng/công ty trung gian thanh toán thông qua tính năng thanh toán QR trên ứng dụng mobile app của các ngân hàng/công ty trung gian thanh toán có kết nối với VnPay (bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, SHB, SCB, TPBank...).
Chị Hợp cho biết: "Có đến 80% khách hàng của cửa hàng tôi sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR này. Khác với giao dịch chuyển khoản trực tiếp từ ứng dụng banking mobile trên điện thoại, với hình thức này, khách hàng sẽ không phải chịu phí chuyển khoản mà cửa hàng sẽ chịu phí 0,55%/giao dịch. Thêm vào đó, không cần nhập số tài khoản chỉ cần quét mã là xong, vừa nhanh gọn vừa không sợ nhầm lẫn. Tuy nhiên, với cách thanh toán này, tôi sẽ chịu thiệt hơn so với dùng tiền mặt vì mất phí nhưng tôi vẫn lựa chọn sử dụng bởi đây là nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện nay”.
Ngoài ra, sử dụng hình thức thanh toán này, chị Hợp còn có thể theo dõi, tra cứu các giao dịch đã thực hiện và lưu lại lịch sử theo thời gian; được hỗ trợ chính sách thúc đẩy bán hàng, chương trình marketing và quyền lợi truyền thông định kỳ từ BIDV, tạo sự chuyên nghiệp cho hoạt động kinh doanh bán hàng. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, từ tháng 10/2020, BIDV đã đưa ra hình thức thanh toán mã QR code mới, cho phép tất cả các ngân hàng có thể quét mã thanh toán thay vì chỉ là nội bộ như trước đây.
Đến nay, có trên 30 đơn vị cửa hàng nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh sử dụng hình thức thanh toán mới này.
Không chỉ BIDV, hiện nay, có nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và công ty công nghệ cũng kịp thời đón đầu xu hướng mới của người dùng khi tung ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn kích thích người dùng chi tiêu không tiền mặt.
Chị Lê Thị Huyền ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Vì lương của vợ chồng tôi đều trả qua thẻ ngân hàng nên từ việc nộp tiền điện, nạp thẻ điện thoại hay nộp học phí cho con thay vì phải đến tận nơi như trước kia, nay tôi chỉ cần thao tác qua điện thoại. Nhiều khi đi mua sắm, tôi còn được giảm giá sản phẩm 10% khi sử dụng thanh toán bằng hình thức quét mã QR hoặc giảm giá khi đặt vé xem phim, nạp thẻ điện thoại trên ứng dụng Ví Momo…
Giờ đây, gia đình tôi chi tiêu dùng tiền mặt ít đi rất nhiều, chỉ chiếm khoảng 30% chi tiêu trong cuộc sống. Tiêu dùng không tiền mặt giúp tôi quản lý tốt hơn tài chính trong gia đình”.
Có thể thấy, khi nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh thì việc thanh toán bằng tiền mặt không thể đáp ứng được nhu cầu thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Việc thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như: thanh toán nhanh chóng, an toàn, chính xác cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa vì tránh được các rủi ro: mất cắp, tiền rách, mất góc không thể sử dụng; tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững; người tiêu dùng còn có thể nhận nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như ngân hàng…
Để phát triển khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ, triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Cụ thể, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán điện tử. Tiếp đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chọn ngày 16/6 hàng năm là "Ngày không tiền mặt”.
Hoài Anh