Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra đến mức thấp nhất, từ thực tiễn trong công tác ứng phó, khắc phục, huyện Trấn Yên đã rút ra những kinh nghiệm trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn dân cư.
Đồng chí Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Trấn Yên cho biết: "Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra đến mức thấp nhất, trước tiên phải từ ý thức người dân. Do đó, cùng với các giải pháp khác, huyện chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, từ đó, chủ động trong ứng phó".
Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất, huyện đã chỉ đạo và làm tốt việc phát triển trồng rừng thay thế và bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện hiện đạt 70%. Đồng thời, huyện cũng xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể huyện, quy hoạch vùng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và PCTT.
Cùng đó, huyện xây dựng bản đồ phòng tránh thiên tai để cảnh báo khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, đặc biệt là khu vực lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm. Trên cơ sở bản đồ đã được khoanh vùng, hàng năm, ngay đầu mùa mưa bão, Trấn Yên yêu cầu các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát chi tiết đến từng hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, từ đó bố trí lại các khu dân cư để đảm bảo an toàn.
Cụ thể, huyện đã bố trí 4 khu tái định cư tại các xã: Y Can, Hưng Thịnh, Bảo Hưng và Hồng Ca cho các hộ sống trong vùng thiên tai để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, hàng năm huyện tổ chức cho các xã rà soát, đăng ký thực hiện di dân xen ghép và khắc phục ổn định tại chỗ theo chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Trấn Yên đã sữa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập, đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông Hồng; rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và chống thiên tai như: các công trình giao thông miền núi, hồ, đập thủy lợi, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ.
Thực hiện công tác PCTT - TKCN năm 2021, huyện Trấn Yên sẽ kiện toàn ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp, điều chỉnh phân công nhiệm vụ cho các thành viên; điều chỉnh bổ sung kế hoạch PCTT - TKCN của địa phương sát với tình hình thực tế; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương.
Việc tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương án, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Chủ động triển khai các nội dung chỉ thị, thông báo của cấp trên xuống cơ sở; rà soát, phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện phụ trách địa bàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, chủ động đối phó với thiên tai; phối hợp với lực lượng vũ trang, nhân dân các địa phương tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Duy trì trực PCTT 24/24 giờ trong thời gian diễn ra mưa bão tại cơ quan thường trực và các ngành thành viên. Đồng thời, liên tục cập nhật tình hình, diễn biến về thiên tai kịp thời, chính xác, báo cáo theo đúng quy định. Đối với các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ”.
Đối với các hồ chứa, huyện Trấn Yên tăng cường kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống van điều tiết, nhất là các hồ chứa lớn như: hồ Đầm Hậu, hồ Tự Do, hồ Chóp Dù... và xây dựng quy trình điều tiết hồ chứa để đảm bảo vận hành trong mùa mưa lũ. Với các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng... đang thi công dở dang, cần bố trí tiến độ thi công hợp lý, có kế hoạch bảo vệ máy móc, vật tư, con người trong mùa mưa lũ.
Với những kinh nghiệm sẵn có và chủ động xây dựng các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó cụ thể sẽ giúp huyện Trấn Yên hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hồng Duyên