Góc nhìn khác về tình trạng phá rào, kinh doanh ăn uống ven cao tốc Nội Bài - Lào Cai

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2021 | 11:09:48 AM

YênBái - Trước hết, xin khẳng định, hành động tự ý phá hàng rào, mở quán bán hàng dọc cao tốc là trái với quy định pháp luật, cần được xử lý nghiêm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đơn vị quản lý thực hiện đóng các điểm người dân tự ý phá dỡ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đơn vị quản lý thực hiện đóng các điểm người dân tự ý phá dỡ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

>> Yên Bái: Xử lý triệt để tình trạng "phá rào” kinh doanh trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai


Thời gian qua, khi công luận phản ánh về tình trạng người dân phá công trình giao thông để mở quán bán hàng trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chính quyền huyện Văn Yên đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS), Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VECOM), tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Đồng thời, chỉ đạo các xã Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Xuân Ái và Yên Hợp (có cao tốc đi qua), vận động người dân không phá hàng rào tôn lượn sóng, hàng rào B40 của cao tốc; vận động các hộ kinh doanh ký và thực hiện cam kết không bán hàng cho các đối tượng khách đi trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Trước đó, Tổ công tác liên ngành của huyện Văn Yên đã đóng toàn bộ 14 điểm người dân tự ý phá dỡ trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận huyện Văn Yên. Cùng tình trạng phá rào chắn để mở quán bán hàng, đôi khi, vẫn thấy những chiếc xe mô tô hoặc người đi bộ băng qua đường cao tốc rất nguy hiểm.

Những hành vi trên là vi phạm, mất an toàn cho người tham gia giao thông khi các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này đều ở tốc độ rất cao. 

Tuy nhiên, cần đặt câu hỏi, tại sao người dân lại bất chấp nguy hiểm, tại sao họ lại cố tình vi phạm như vậy? Đường cao tốc mở ra, mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế. 

Đối tượng trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng cũng đã được bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, không ít người đã mất nguồn sinh kế hoặc chưa thể đảm bảo cuộc sống ổn định và lâu dài từ sự hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. 

Vợ chồng ông Phan Văn M. ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên mấy chục năm chỉ quen làm chè, làm ruộng và chăn nuôi. Quá trình mở đường, ông bà trong diện giải tỏa, hết sức lúng túng trước số tiền đền bù lớn, chi tiêu không có kế hoạch, xây ngôi nhà rất lớn… 

Mấy lao động đều thiếu việc làm, đặc biệt là hai vợ chồng ngoài nghề nông chẳng biết làm gì khi đã quá tuổi tuyển dụng vào các nhà máy, xí nghiệp. Thế rồi, ông bà M. mở rào đường cao tốc bán hàng ăn, phục vụ lái xe. 

Một vấn đề nữa, đến nay, tỉnh Yên Bái nhiều lần kiến nghị phía VEC làm 6 tuyến đường gom phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân hai bên đường cao tốc thuộc xã Châu Quế Thượng và xã Châu Quế Hạ. 

Tuy nhiên, phía VEC vẫn chưa làm. Không có đường gom, người dân không có đường đi. Vậy là, xe máy vẫn băng băng trên cao tốc. Bên cạnh đó, quá trình thi công cao tốc, nhiều vị trí trên tuyến tỉnh lộ Âu Lâu - Đông An đã được sử dụng với những cỗ máy khổng lồ và những chiếc xe siêu trường, siêu trọng khiến đường vỡ nát nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp trở lại diễn ra rất chậm.

Ngoài ra, trên cao tốc có rất nhiều trạm dừng nghỉ nhưng các lái xe vẫn chọn những quán cóc ven đường. Một lái xe cho biết: "Giá cả quá đắt, thí dụ quả trứng quán ven đường bán 2.000 đồng. Trên trạm dừng nghỉ, quả trứng có giá bán 6.000 đồng; bát mì tôm, 2 quả trứng, giá 30.000 đồng; quả ngô luộc 10.000 - 12.000 đồng. Chúng tôi là người lao động nặng, bữa ăn rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe. Thêm nữa, thời buổi khó khăn, bớt chi tiêu đồng nào hay đồng ấy”. 

Một chuyện khá tế nhị đó là đi vệ sinh. Các trạm dừng nghỉ đều có nhà vệ sinh nhưng vào sử dụng là mất tiền, dù người ta vẫn đề chữ "tự giác” vào thùng tiền nhưng bác nào lỡ quên hoặc vì không có tiền lẻ mà không bỏ tiền vào đó thì… sẽ có người nhắc nhở. 

Cách đây hơn một năm, có một đoàn nhà báo từ Hà Nội đi Lào Cai công tác, vào trạm dừng nghỉ để uống nước và đi vệ sinh. 

Một anh lỡ quên không "tự giác” bỏ tiền vào thùng liền bị nhắc nhở với những lời lẽ rất khó nghe. Anh nhà báo đưa ra quan điểm: "Tôi đi đường đã nộp phí, vào đây mua hàng thì sao phải nộp tiền đi vệ sinh”. 

Vụ việc được đưa lên mạng xã hội. Anh nhà báo đó nói sẽ làm việc với VEC và phản ánh vụ việc lên báo. Không biết vụ việc kết thúc thế nào nhưng đến nay, trạm dừng nghỉ vẫn thu phí vệ sinh bình thường. 

Từ những vấn đề nêu trên, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân bên đường cao tốc chấm dứt các hành vi vi phạm, đặc biệt là đi xe máy vào đường cao tốc, băng cắt qua đường, phá hàng rào dựng quán bán hàng…, phía đơn vị quản lý, khai thác cao tốc phải đầu tư xây dựng đường gom, tạo điều kiện tiếp nhận con em địa phương (những hộ trong diện giải phóng mặt bằng) vào làm các công việc như: quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường cao tốc. 

VEC và các công ty có liên quan cần quản lý chặt chẽ hơn các trạm dừng nghỉ, cần lựa chọn nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc, an toàn, tươi ngon, giá cả hợp lý hơn để thu hút người tham gia giao thông vào tiêu dùng. 

Chuyện nhà vệ sinh tưởng nhỏ nhưng cũng cần được VEC và các đơn vị liên quan giải thích rõ ràng.

Chúng tôi tin rằng, chỉ có những biện pháp hữu hiệu, giải quyết gốc rễ của vấn đề thì chuyện phá rào mở quán, dừng xe bên lề đường để ăn uống, đi vệ sinh, cả chuyện đi xe máy vào cao tốc mới chấm dứt.

Lê Phiên

Tags phá rào cao tốc Văn Yên

Các tin khác
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong bối cảnh bất động sản, chứng khoán đang tăng "nóng", các ngân hàng cần kiểm soát chặt dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro.

Vảy, loét, sẹo trên da bò bị bệnh viêm da nổi cục.

Trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái, Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho rằng, người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào đàn trâu, bò của gia đình.

Tổng đàn gia súc chính của huyện Văn Yên hiện có trên 108.800 con, tăng 36,1% so với cùng kỳ 2020. Trong đó: trâu có trên 14.000 con; bò có 2.668 con; lợn có 92.138 con.

Các Cục Hải quan cần tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu và chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tích cực triển khai việc thu hồi và xử lý nợ thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục