Các hộ chăn nuôi ở Yên Bái cần kiểm soát nguy cơ bệnh xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2021 | 7:36:37 AM

YênBái - Trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái, Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho rằng, người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào đàn trâu, bò của gia đình.

Vảy, loét, sẹo trên da bò bị bệnh viêm da nổi cục.
Vảy, loét, sẹo trên da bò bị bệnh viêm da nổi cục.

P.V: Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh VDNC trên trâu, bò trong cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng? 

Ông Đặng Bình Nguyên: Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 10/2020. 

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 598 ổ dịch tại 593 xã thuộc 118 huyện của 24 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh là 12.639 con, số chết và tiêu hủy là 802 con. Đến ngày 01/4/2021, cả nước có 492 ổ dịch tại 95 huyện của 20 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh lũy kế tại những xã này là 11.242 con, số gia súc đã tiêu hủy là 719 con. 

Tại tỉnh Yên Bái, bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện từ ngày 29/3/2021 đến ngày 13/4/2021 tại 4 hộ ở 4 thôn, bản của 4 xã là: Việt Hồng, Vân Hội của huyện Trấn Yên và Minh An, Đại Lịch của huyện Văn Chấn. Tổng số bò mắc bệnh có triệu chứng lâm sàng của bệnh VDNC là 6 con, tổng số bò đã tiêu hủy là 5 con, trọng lượng 973 kg.

P.V: Thưa ông, bệnh này nguy hiểm như thế nào đối với đàn vật nuôi? Cơ chế lây lan của bệnh theo những con đường nào? Đã có vắc xin hay thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh này không? Và bệnh này có lây sang người không?

Ông Đặng Bình Nguyên: Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh VDNC khoảng 10% - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1% - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. 


Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại. 

Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; côn trùng chân đốt được xem là véc tơ truyền bệnh VDNC. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.

Bệnh VDNC trên trâu, bò hiện không có thuốc đặc trị bệnh nhưng có thể sử dụng kháng sinh chữa các triệu chứng thứ phát. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò và vắc xin cũng đã được nhập khẩu vào Việt Nam. 

Bệnh VDNC trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh và không lây lan sang người.

P.V: Đối với tỉnh Yên Bái, thực tế chăn nuôi của các hộ dân có những khó khăn gì trong việc thực hiện phòng chống bệnh này?

Ông Đặng Bình Nguyên: Dịch bệnh VDNC trên trâu, bò có khả năng lây lan cao bởi các yếu tố như: chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; hoạt động vận chuyển, kiểm soát vận chuyển, giết mổ trâu, bò; tình hình thời tiết cực đoan; điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là đối với các xã vùng cao gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh. 

Khó khăn hiện nay khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng sinh sôi, phát triển mạnh, tăng nguy cơ bùng phát dịch VDNC. Trong khi đó, nhận thức của người dân về việc mua con giống, chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc còn có những hạn chế. 

Do vậy, việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên, không lơ là, nhất là trong thời gian chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng, các hộ chăn nuôi cần ưu tiên sử dụng vôi bột sẵn có tại địa phương để vệ sinh chuồng trại, hạn chế các nguồn bệnh lây lan.

PV: Vậy người chăn nuôi có thể chủ động phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi bằng cách nào, thưa ông?

Ông Đặng Bình Nguyên: Trước hết cần tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh VDNC trên trâu, bò và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào đàn trâu, bò của gia đình. 

Các hộ chăn nuôi cần chú trọng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và làm sạch môi trường xung quanh, quây lưới xung quanh chuồng nuôi ngăn chặn côn trùng xâm nhập; phun thuốc khử trùng hoặc sử dụng vôi bột để khử trùng khu vực nuôi, phun thuốc diệt côn trùng. 

Tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò như: vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng để nâng cao sức đề kháng. Khi phát hiện trâu, bò có triệu chứng lâm sàng của bệnh VDNC cần cách ly gia súc mắc bệnh, báo ngay cho chính quyền địa phương, thú y để kiểm tra, xử lý theo quy định. 

P.V: Xin ông cho biết, để phòng chống hiệu quả bệnh này, cần có sự phối hợp ra sao giữa các ngành, cơ quan chuyên môn, địa phương và người chăn nuôi?

Ông Đặng Bình Nguyên: Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến các địa phương và người chăn nuôi. 

Cụ thể là cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò, nhất là đối với các xã có dịch bệnh VDNC.

Các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò vào địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trâu, bò không rõ nguồn gốc; các hộ chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng chống bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Tags Yên Bái Chăn nuôi Thú y viêm da nổi cục

Các tin khác

Tổng đàn gia súc chính của huyện Văn Yên hiện có trên 108.800 con, tăng 36,1% so với cùng kỳ 2020. Trong đó: trâu có trên 14.000 con; bò có 2.668 con; lợn có 92.138 con.

Các Cục Hải quan cần tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu và chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tích cực triển khai việc thu hồi và xử lý nợ thuế.

Đại biểu và người dân thăm quan gian hàng Yên Bái tại hội chợ.

Tỉnh Yên Bái có 2 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham gia Hội chợ Vietnam Expo 2021 diễn ra từ 14 - 17/4 tại Hà Nội.

Năm 2021, xã Lương Thịnh được huyện Trấn Yên giao chỉ tiêu trồng mới 35 ha tre măng Bát độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục