Xác định thu hút đầu tư là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Yên Bái nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ, đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua đối thoại doanh nghiệp, Chương trình "Cà phê doanh nhân”.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư và các nhà đầu tư đang thực hiện chuẩn bị đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư trên địa bàn.
Là nhà đầu tư đã hoạt động nhiều năm tại tỉnh Yên Bái, bà Đỗ Thị Hồng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa công nghệ cao cho hay: "Dự án của chúng tôi là nhà máy sản xuất hạt Taical của Công ty cổ phần Nhựa công nghệ cao với công suất 100.000 tấn hạt Tailcal/năm. Từ khi bắt đầu khảo sát dự án, tìm địa điểm đầu tư, lập hồ sơ dự án, cấp phép đầu tư, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các ban, ngành của tỉnh; các thủ tục pháp lý được thực hiện rất nhanh chóng và thuận lợi”.
Với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Yên Bái đã tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đến nay, Yên Bái đang trở thành mảnh đất tiềm năng của các nhà đầu tư và là "thỏi nam châm” hút một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020 tuy còn nhiều khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, song tỉnh Yên Bái vẫn thu hút được 71 dự án với tổng vốn đăng ký 4.588 tỷ đồng và 2,08 triệu USD.
Đến nay, Yên Bái là nơi hội tụ của trên 2.400 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với 552 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng trên 112.459 tỷ đồng và 381,1 triệu USD; trong đó, có 495 dự án trong nước, 27 dự án FDI.
Đáng chú ý có những dự án đầu tư có vốn lớn hàng trăm tỷ đồng như: Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Một thành viên năng lượng An Việt Phát, tổng vốn đăng ký 452,8 tỷ đồng; Nhà máy Cưa xẻ sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood cũng của Công ty này với tổng vốn đăng ký đầu tư 313,4 tỷ đồng; Nhà máy Chế biến thạch anh Vietquartz Yên Bái, tổng số đăng ký 289 tỷ đồng; dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp trồng rừng của Công ty Thiên Hà có tổng số vốn đăng ký đầu tư 168 tỷ đồng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên, tập trung, hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế với những dự án hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường sinh thái, tập trung thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; trong đó, công khai, minh bạch toàn bộ thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng, thành lập doanh nghiệp…
Ngay trong quý I/2021, lĩnh vực đầu tư cũng đạt nhiều dấu ấn khi tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký là 404 tỷ đồng; quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng đã kết nối được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực vào khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trong đó, phải kể đến Tổng Công ty Viglacera khi được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư Tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại nút giao IC 12, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tổ hợp dự án được đề xuất có quy mô khoảng 496 ha thuộc địa phận huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái; trong đó, có gần 420 ha dành cho phát triển khu công nghiệp, còn lại khoảng 80 ha phát triển đô thị, dịch vụ.
Để hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý cũng như những khó khăn, vướng mắc khi đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập các tổ công tác với thành viên là lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành và địa phương. Động thái này một lần nữa khẳng định, tỉnh Yên Bái luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư tại Yên Bái.
Văn Thông