Gia đình chị Trần Thị Hạnh, thôn Khe Năm gắn bó với cây chè từ những năm 1970. Chị Hạnh cùng một số hộ trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi từ chè trung du sang giống chè Bát tiên chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Chị Hạnh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm chè Bát tiên sản xuất đến đâu đều được thu mua theo đơn đặt hàng đến đó. Giống mới, phương pháp mới, tư duy sản xuất mới đã nâng cao giá trị của cây chè; từ đó, tạo nên sự hứng khởi cho những người trồng chè. Chị Hạnh cho biết: "Trước đây, sản xuất manh mún, tự phát, sản phẩm làm ra không có thương hiệu nên giá thấp, thu nhập bấp bênh. Từ ngày tham gia vào hợp tác xã, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị cây chè được nâng lên, cuộc sống của chúng tôi được bảo đảm”.
Là một trong những xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Trấn Yên, xã Hưng Khánh có trên 87 ha chè kinh doanh với trên 100 hộ trồng chè; trong đó, có 20 ha chè Bát tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP tập trung chủ yếu ở thôn Khe Năm.
Nếu như trước kia, người dân chủ yếu canh tác theo cách làm truyền thống, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý đã làm giảm năng suất, chất lượng của chè thì hiện nay hầu hết các hộ trồng chè trong xã đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Từ những mô hình trồng, chế biến chè đảm bảo đúng tiêu chuẩn, xã Hưng Khánh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè Khe Năm có 30 thành viên tham gia. Sản phẩm chè sau khi thu hái được tập trung tại cơ sở chế biến của HTX. Với việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gồm 3 máy xao chè, 6 máy vò, thời điểm cao nhất mỗi ngày HTX chế biến được 2 tạ chè khô.
Nhờ thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất chè VietGAP nên sản phẩm chè làm ra của thành viên trong HTX cũng có giá bán cao hơn hẳn so với trước đây. Với giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg chè thành phẩm, doanh thu trung bình đạt từ 60 đến 70 triệu đồng/ha /năm. Bắt kịp xu hướng của thị trường nông sản hiện nay là chú trọng đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc, HTX Chè Khe Năm đã xây dựng cho mình nhãn hiệu riêng lấy tên là "Trà Bát tiên Hưng Khánh” và được đăng ký tem truy xuất nguồn gốc do HTX là chủ nhãn hiệu.
Ông Vũ Văn Hồng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Chè Khe Năm cho biết: "Để thương hiệu Trà Bát tiên Hưng Khánh bay xa, chúng tôi thường xuyên họp thành viên để đôn đốc, nhắc nhở phải thực hiện đúng các quy trình từ khâu trồng, chăm sóc; quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật không trong danh mục cho phép, bảo đảm thời gian cách ly; tổ chức cho thành viên đi học hỏi quy trình chăm sóc, chế biến thành phẩm ở vùng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên.
Ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết: để chè là một trong số cây chủ lực của xã, trong năm 2021, địa phương đã chỉ đạo cải tạo trồng mới 5 ha và đến năm 2025 sẽ cải tạo trồng mới thêm khoảng 50 ha chè Bát tiên; chỉ đạo HTX Chè Khe Năm nâng cao chất lượng từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu chế biến để sản phẩm không những đứng vững trên thị thường mà ngày càng mở rộng thị trường. Đây là tiền đề giúp người dân vùng trồng chè trong xã nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Hồng Duyên