Năm 2021, Đảng ủy, chính quyền xã xác định, xây dựng sản phẩm thanh long ruột đỏ là sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; xây dựng thương hiệu thanh long Minh Quân và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thí điểm tại xã Minh Quân từ năm 2013, với diện tích 1,5 ha và ban đầu có 12 hộ tham gia trồng. Sau 8 tháng, cây thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch và từ năm thứ hai năng suất, sản lượng cao dần lên theo từng năm. Đến nay, cây thanh long của các hộ thử nghiệm trồng từ năm đầu đã cho năng suất trung bình đạt từ 25 - 30 tấn/ha.
Nhận thấy, đây là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, nhiều hộ ở Minh Quân tiếp tục chuyển một số diện tích đất vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ. Hiện, toàn xã có 107 hộ trồng được 11 ha loại thanh long cho thu hoạch ổn định.
Một trong số những hộ đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ, đến nay, ông Nguyễn Ngọc Hồ, thôn Đức Quân có 150 trụ bê tông trồng thanh long trên diện tích 1.500 m vuông. Sau một thời gian trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn thanh long của ông Hồ sinh trưởng, phát triển tốt và đến nay cho thu hoạch khoảng trên 3,6 tấn quả/năm, bảo đảm chất lượng, giá bán trung bình từ 20.000 đến 25.000/kg.
Ông Hồ chia sẻ: Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất kể cả đất xấu và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt. Tuy nhiên, muốn bảo đảm năng suất, chất lượng, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình bón phân, tưới nước và cách chăm sóc. Quả thanh long có màu đỏ thắm bắt mắt, vị ngọt và thơm, mùa thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11 khi thanh long đạt trọng lượng 0,3 - 0,7 kg là có thể thu hái.
"Mỗi gốc thanh long ruột đỏ của gia đình hàng năm cho thu hoạch từ 5 - 6 đợt quả, lợi nhuận đạt khoảng 90 triệu đồng/năm” - ông Hồ nói.
Thanh long ruột đỏ đã mở ra hướng đi mới, tạo bước tiến mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Minh Quân. Định hướng phát triển bền vững loại cây này, năm 2020, UBND xã Minh Quân phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên chỉ đạo Hội Phụ nữ xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ, do bà Đỗ Thị Thu Dung làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX.
Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên hỗ trợ làm tem truy suất nguồn gốc với sản phẩm thanh long ruột đỏ Minh Quân.
Theo bà Đỗ Thị Thu Dung - Giám đốc HTX Thanh long Minh Quân: Hiện tại, sản lượng thanh long của địa phương còn hạn chế và HTX mới chỉ thống nhất giá chung ổn định cho các hộ (chủ yếu thương lái đã tới đặt mua cả vườn từ khi quả thanh long chưa chín). Thời gian tới, HTX thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con với phương châm bao tiêu tất cả các sản phẩm kể cả loại 1 hoặc 2 và loại 3.
Bà Dung cho biết: "Để được giá và đảm bảo xuất khẩu được, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc đối với cây thanh long: cách bón phân, phủ gốc bằng ni lon… để bà con nắm được quy trình kỹ thuật, lợi ích khi quả đảm bảo xuất khẩu và được giá tốt nhất cho bà con”.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Trấn Yên theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đó, năm 2021, Đảng ủy, UBND xã Minh Quân xác định xây dựng sản phẩm thanh long ruột đỏ đạt sản phẩm OCOP; chính quyền xã xây dựng kế hoạch phát triển vùng thanh long ruột đỏ của xã tập trung tại các thôn: Đức Quân, Linh Đức, Hòa Quân, Tiền Phong và đã triển khai cho các hộ dân đăng ký trồng; phấn đấu đến hết năm 2021, diện tích thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã đạt 30 ha.
Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện xây dựng Dự án sản xuất sản phẩm thanh long ruột đỏ theo chuỗi liên kết đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP được chứng nhận vùng sản xuất an toàn và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP đối với sản phẩm thanh long ruột đỏ. Mục tiêu đến tháng 8/2021, thanh long ruột đỏ Minh Quân được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Vũ Đồng