Bắt đầu trồng tre măng Bát độ từ năm 2009 với gần 1 ha, nhưng với hiệu quả kinh tế mà cây trồng này mang lại, những năm qua, gia đình ông Trần Văn Anh ở thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh đã lần lượt trồng thêm 3 ha, sau khi khai thác các cây trồng nguyên liệu giấy như: keo, bồ đề.
Ông Trần Văn Anh cho biết: "Năm nay, Nhà nước hỗ trợ củ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, tôi đăng ký trồng thêm 2 ha, nâng tổng diện tích trồng tre măng Bát độ của gia đình lên 6 ha. Mấy ngày nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi đổi công với các nhà trong thôn tập trung vận chuyển củ giống và đào hố trồng tre”.
Cũng giống như gia đình ông Anh, năm nay, hộ ông Phạm Văn Lâm, thôn Ngọn Đồng đang tập trung nhân lực đào hố trồng tre. Năm nay, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương gia đình ông Lâm lại tiếp tục chuyển đổi 1 ha cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng tre. Theo ông Lâm: "Sau tết là thời điểm thời tiết ủng hộ mưa nhiều, độ ẩm cao nên là thời điểm tốt nhất trồng tre. Củ giống trồng xuống là ra rễ, bật mầm đảm bảo tỷ lệ sống cao và nếu trồng muộn thì sẽ ko đảm bảo, cây kém phát triển, thậm chí còn phải trồng dặm lại”.
Theo kế hoạch, năm 2021, xã Hưng Khánh phấn đấu trồng mới 20 ha. Để hoàn thành mục tiêu trồng mới, từ cuối năm 2020, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình tre măng Bát độ của huyện tổ chức triển khai rộng rãi cho nhân dân đăng ký trồng mới; đồng thời, rà soát diện tích đất vườn hộ, đất trồng cây sau chu kỳ khai thác, đất chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre Bát độ.
Xã cũng phối hợp với cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp thực hiện hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì, chuẩn bị đất đảm bảo trồng đúng thời vụ. Là cây trồng trên đất đồi dốc, nhanh cho thu hoạch, trong 3 năm giai đoạn kiến thiết cơ bản, tre măng Bát độ cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm; đến giai đoạn kinh doanh, nếu được chăm sóc tốt, có thể cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha/năm.
Từ hiệu quả kinh tế lại phù hợp với khí hậu, đất đai của địa phương, những năm qua, cây tre măng Bát độ không ngừng được mở rộng trên địa bàn xã Hưng Khánh. Đến nay, tổng diện tích tre Bát độ của xã gần 250 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Khe Ngang, Ngọn Đồng, Tĩnh Hưng, Đát Quang.
Song song với việc phát triển mở rộng diện tích, xã Hưng Khánh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người trồng tre măng sản xuất theo hướng thâm canh, chăm sóc và cải tạo những diện tích tre già cỗi; đồng thời, tích cực triển khai các chính sách, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thu mua, chế biến sản phẩm măng, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Ông Trần Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết: "Năm 2020, doanh thu từ tre măng Bát độ trên địa bàn xã đạt trên 5 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, loại cây này rất phù hợp với đất đai, khí hậu và lao động ở địa phương. Đặc biệt, trong năm nay, Công ty cổ phần Yên Thành sẽ xây dựng nhà máy thu mua, chế biến măng Bát độ tại cụm công nghiệp của xã và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định lâu dài. Do đó, xã Hưng Khánh đang tiếp tục vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung để giúp người dân phát triển kinh tế nâng cao thu nhập”.
Hùng Cường