Là một trong những hộ được hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt, anh Nguyễn Văn Năm ở thành phố Yên Bái đã phát triển cơ sở chăn nuôi của gia đình lên đến quy mô 150 con. Anh Năm chia sẻ: "Sau khi hoàn thành các chỉ tiêu về chuồng trại, con giống đạt số lượng quy chuẩn, gia đình tôi được hỗ trợ 20 triệu đồng. Đây là nguồn hỗ trợ lớn giúp tôi tái đàn lại sau thời gian dịch bệnh. Lợn năm nay giá ổn định nên gia đình cũng có thu nhập phần nào”.
Các chính sách hỗ trợ này cũng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm ở vùng cao. Thực hiện đề án, chính sách hỗ trợ chăn nuôi, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi với kinh phí gần 800 triệu đồng. Đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo lượng giống vật nuôi sản xuất các lứa tiếp theo và xuất bán, tạo nguồn thu đáng kể cho đồng bào. Đặc biệt, nhận thức về sản xuất hàng hóa của người dân đã có sự chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung.
Ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Ngoài những hỗ trợ phát triển cơ sở chăn nuôi hàng hóa, huyện đã thực hiện hỗ trợ đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn chăn nuôi lợn thịt với quy mô từ 3 con/ lứa trở lên cho 101 hộ; hỗ trợ làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. Nhờ đó, đến hết năm 2020, tổng đàn gia súc chính toàn huyện đạt 76.320 con, trên 200.000 con gia cầm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.582 tấn”.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo với 16.000 liều phối đạt; hỗ trợ 1.186 cơ sở phát triển chăn nuôi hàng hóa với tổng kinh phí hỗ trợ là 28,9 tỷ đồng. Những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhiều năm qua được nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện, góp phần tăng trưởng đầu đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc, gia cầm.
Nếu như đầu năm 2016, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh là 635.631 con, đàn gia cầm là 4 triệu con thì đến hết năm 2020 - sau 5 năm thực hiện hỗ trợ, tốc độ tăng trưởng đầu đàn gia súc đạt bình quân 2%/năm, đầu đàn gia súc chính ước đạt 658.000 con; tăng trưởng đàn gia cầm đạt bình quân 9%/năm, đầu đàn ước đạt 6 triệu con, đạt 120% so với kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 55.800 tấn, vượt 800 tấn so với mục tiêu. Tất cả đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 37%.
Bên cạnh sự phát triển về số lượng, chất lượng con giống cũng được quan tâm phát triển. Công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày một rộng rãi như việc sử dụng các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín công nghiệp, tăng số lượng lứa nuôi/năm; giống gia cầm được ứng dụng phổ biến bằng các giống gà lông màu có năng suất, chất lượng, phương thức chăn nuôi gà công nghiệp và bán chăn thả; đàn trâu, bò được cải tạo bằng các giống tiến bộ thông qua phương pháp truyền tinh nhân tạo, duy trì hiệu quả hoạt động của 18 điểm truyền tinh nhân tạo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện hỗ trợ, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương thực hiện tái cơ cấu và cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh và các đề án, chính sách hỗ trợ đến đông đảo nhân dân để cùng hưởng ứng, đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất tại cơ sở; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở theo đề nghị của địa phương.
Hoài Anh