Bộ Công Thương lý giải việc giá mặt hàng thép liên tục tăng "phi mã"
- Cập nhật: Thứ bảy, 15/5/2021 | 8:56:34 AM
Theo Bộ Công Thương, do phụ thuộc vào lượng nhập khẩu và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm của thép các loại của Việt Nam đều thay đổi theo thị trường thế giới.
Dây chuyền sản xuất Thép tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên.
|
Bộ Tài chính: Giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với thép cần cân nhắc
Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép phát triển vừa bình ổn thị trường trong nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho biết, Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững. Đồng thời, bình ổn thị trường thép trong nước, bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.
"Điều quan trọng nhất là cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước” - ông Trương Bá Tuấn nói.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số bộ có cơ chế hỗ trợ; trong đó, có đề nghị Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong việc hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép được quy định ở mức thấp là 0% (nhóm 72.03), 3% (nhóm 72.04) và 1% đối với phôi thép (nhóm 72.06).
Việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép thấp trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước giảm giá thành đầu vào và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Với thuế nhập khẩu thép thành phẩm, hiện mặt hàng thép xây dựng thuộc nhóm 72.13 đến 72.16 có mức thuế suất thuế MFN là 15% đối với thép hình, thép góc và 20% đối với thép dạng thanh que. Những mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là thành viên của 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam Hàn Quốc (VKFTA).
Có thể thấy, mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng thép đã được quy định trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của luật, đồng thời phù hợp với thực trạng phát triển của ngành thép trong nước cũng như cam kết về cắt giảm thuế quan khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và khi tham gia các FTA.
Ông Trương Bá Tuấn cho biết thêm, vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thêm 3 năm.
Theo đó, các chủng loại phôi thép nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế tự vệ ở mức 15,3% từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021; 13,3% từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 và 11,3% từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023.
Còn đối với các sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế tự vệ được áp dụng tương ứng cho từng giai đoạn là 9,4%; 7,9% và 6,4%, nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Thời gian qua giá thép biến động mạnh, tháng 1/2021, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán khoảng từ 300-900 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất.
Trong tháng 4/2021, mức tăng khoảng 1.600-1.700 đồng/kg tùy từng chủng loại. Hiện nay, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép ở mức khoảng từ 16.200-17.800 đồng/kg tùy chủng loại và nhà sản xuất. Đây là giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng.
Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua có sự tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới.
Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh khiến cho giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép từ khoảng giữa tháng 10/2020 đến nay liên tục tăng.
Theo khảo sát, nắm bắt thông tin thì giá chào phôi, thép phế trên thị trường thế giới ở thời điểm hiện tại tăng khoảng 37-39% so với tháng 10/2020. Giá chào bán phôi thép thị trường thế giới tháng 4/2021 tăng khoảng 50-55 USD/tấn so với cuối tháng 3/2021…
Riêng trong tháng 4/2021, giá phôi nội địa tăng khoảng 1.450 đồng/kg, giá thép phế tăng khoảng 1.200 đồng/kg.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của giá thép tăng là Trung Quốc đang chiếm tới 60% sản lượng thép thô toàn cầu.
Các yếu tố đang chi phối thị trường này gây ảnh hưởng giá thép toàn cầu bao gồm nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; nhu cầu tiêu thụ thép của nước này tăng cao do phục hồi kinh tế; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc cũng cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm, đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, điều này đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể hồi phục như trước đại dịch.
Điều đó có nghĩa là giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển.
Để góp phần giải quyết vấn đề trong dài hạn, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giá cho phù hợp với quan điểm, nguyên tắc và tính thống nhất, đồng bộ trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế thị trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Qua đó, hướng đến mục tiêu khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.
Về giải pháp dài hạn ổn định cung-cầu, đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (quặng, thép phế liệu, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới. |
Các tin khác
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết Thủ tướng đồng ý đề xuất của tỉnh về việc cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn. Tỉnh đã lên 3 kịch bản tiêu thụ vải.
Lãnh đạo Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương.
Sáng 14/5, các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid -19.Tham dự tại điểm cầu Yên Bái cóa lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng các ban, ngành liên quan.
Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước khi mua sắm thiết bị vật tư, hoá chất… phòng chống COVID-19.