Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà - một trong những doanh nghiệp (DN) có tiếng trồng rừng trong tổng số 4 công ty lâm nghiệp của tỉnh hiện quản lý trên 817 ha đất trồng rừng và mỗi năm khai thác trên dưới 100 ha rừng.
Ông Vương Quốc Đạt - Giám đốc Công ty cho biết: "Tác động của dịch Covid -19, dẫn đến việc tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng gặp khó, giá nguyên liệu thấp, mỗi khối gỗ giảm 180.000 đồng. Tuy nhiên, đơn vị đã khắc phục khó khăn trồng mới được trên 50 ha rừng bằng 3 giống chủ lực: bạch đàn mô K3229, CT3 UP54. Đây đều là giống cho năng suất, chất lượng vượt trội. Cùng đó, ngoài sản xuất trên 14.000 vạn cây giống phục vụ trồng rừng của đơn vị, chúng tôi còn cung cấp cho các đơn vị, cá nhân khác trong, ngoài tỉnh”.
Theo kế hoạch năm nay, huyện Yên Bình trồng mới 3.100 ha rừng. Để hoàn thành kế hoạch, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn tham mưu với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức trồng rừng, chăm sóc các diện tích rừng mới trồng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Nhờ làm tốt việc thiết kế, chuẩn bị tốt giống cây lâm nghiệp, nên đến ngày 13/5, toàn huyện đã trồng mới 3.103 ha rừng, đạt 100,1% kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện chia sẻ: "Trước đây, công tác trồng rừng trên địa bàn thường tập trung vào 2 vụ là vụ xuân và vụ thu. Tuy nhiên, người dân nhận thấy trồng rừng vào vụ thu không hiệu quả, cây sinh trưởng, phát triển kém, diện tích rừng phải trồng dặm lại lớn… nên những năm gần đây, toàn bộ diện tích rừng trồng mới đều được trồng vào vụ xuân. Theo đó, khi thời vụ trồng rừng vụ xuân chưa khép lại thì huyện đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm”.
Không chỉ các địa phương vùng thấp, bà con vùng cao cũng tích cực tham gia trồng rừng. Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn cho biết: "Năm nay, huyện Văn Chấn có kế hoạch trồng mới 3.490 ha rừng. Để hoàn thành kế hoạch, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn triển khai và phổ biến kế hoạch trồng rừng tới từng thôn, bản; tuyên truyền, vận động người dân các công ty, DN đầu tư trồng rừng, trồng cây phân tán".
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện việc khai thác rừng, vệ sinh rừng sau khai thác, chuẩn bị đất, lựa chọn cây giống tốt có nguồn gốc rõ ràng trồng rừng đảm bảo khung thời vụ, kế hoạch được giao.
Nhờ đó, đến hết tháng 4, các xã, thị trấn trồng mới được 2.180 ha. Trong đó, các công ty, DN trồng được 52 ha, người dân tự bỏ vốn trồng mới 2.128 ha chủ yếu là bồ đề, quế, keo; trồng rừng phân tán 1.508,9 ha tương đương với 1.508.900 cây lâm nghiệp xã hội. Huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng xong trước tháng 10/2021.
Theo kế hoạch năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 15.500 ha rừng các loại, trong đó có khoảng 12.000 ha trồng rừng vụ xuân. Để hoàn thành kế hoạch, ngay từ cuối năm trước, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tiến hành khảo sát thực địa, xây dựng kế hoạch trồng rừng sát với thực tế và bảo đảm tính khả thi cao; đẩy mạnh tuyên truyền về giống, trồng cây, trồng rừng tới các chủ rừng và chủ vườn ươm; vận động người dân đưa những giống cây lâm nghiệp có năng suất cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như: keo, bạch đàn, keo lai... vào trồng rừng.
Đến ngày 15/5, toàn tỉnh đã trồng được 12.726 ha, đạt 82,1% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng tập trung 9.577 ha, trồng cây phân tán quy diện tích là 3.148 ha. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm, từ nay đến cuối năm, các địa phương phải trồng mới trên 2.200 ha. Diện tích này chủ yếu tập trung ở các huyện vùng cao.
Hiện, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chăm sóc cây giống đạt tiêu chuẩn để phục vụ trồng rừng vụ thu cũng như: tiến hành trồng dặm; thực hiện tốt chăm sóc rừng gắn với bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng theo hướng quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích các DN tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đưa sản phẩm gỗ rừng trồng chiếm lĩnh thị trường quốc tế…
Văn Thông