Văn Yên: Sức bật từ Nghị quyết 69

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/7/2021 | 7:33:57 AM

YênBái - Sức lan tỏa của Nghị quyết “69” đã trở thành động lực giúp người dân trên địa bàn huyện Văn Yên phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giá trị cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao.

Mô hình nuôi bò 3B của hộ ông Phạm Văn Dần ở thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái.
Mô hình nuôi bò 3B của hộ ông Phạm Văn Dần ở thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái.

Thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, huyện Văn Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chú trọng làm tốt từ công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền để đưa cơ chế, chính sách tới hộ dân, người dân; huy động sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở nhiều địa phương. 

Thăm mô hình bò 3B mới đầu tư của hộ ông Phạm Văn Dần, thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái, ông Dần cho chúng tôi biết: "Được chính quyền địa phương khuyến khích, biết được chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh, gia đình tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng chuồng trại nuôi bò 3B, trong đó vốn đầu tư mua 11 con bò hơn 400 triệu đồng, xây chuồng trại 150 triệu đồng. Mặc dù sự hỗ trợ không nhiều, nhưng tôi rất phấn khởi bởi số tiền hỗ trợ đã giúp gia đình tôi phần nào vơi bớt khó khăn, tạo động lực để chăn nuôi phát triển”. 

Cũng như gia đình ông Dần, gia đình chị Hà ở thôn Sông Hồng đầu tư gần 600 triệu đồng để nuôi bò 3B. Ngoài đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, chị Hà trồng 1 mẫu cỏ voi để có nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò. 

Học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi tại các trại bò trong và ngoài tỉnh nên đàn bò của gia đình tăng trọng khá tốt và đã được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện lấy mẫu giám sát dịch bệnh, tiến hành nghiệm thu để giải ngân hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh. 

Hộ ông Dần và chị Hà chỉ là 2 trong số 9 mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hoá hoặc đặc sản, hữu cơ của xã Xuân Ái. Thực hiện công văn chỉ đạo của huyện về việc triển khai, đăng ký thực hiện hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, xã Xuân Ái đã rà soát, lựa chọn, lập danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh đảm bảo công khai, dân chủ. Đến nay, toàn xã có 22 mô hình đăng ký, qua thẩm định lần 1 của UBND huyện có 9 mô hình đủ điều kiện để hỗ trợ đợt 1.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, những năm qua, huyện Văn Yên đã khai thác thế mạnh từng vùng, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh một cách hiệu quả.

Cùng với thành lập tổ tư vấn các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX), phát triển sản xuất nông nghiệp và tổ tư vấn hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các chương trình, dự án, huyện Văn Yên đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, phát triển cây dược liệu, nuôi thủy sản, chăn nuôi; sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đảm bảo phù hợp điều kiện từng địa phương, nằm trong sự phát triển chung của tỉnh. Nhờ đó, số lượng trang trại, gia trại trên địa bàn huyện tăng nhanh và phát triển vượt trội.

Để Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết đến xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị, hội thảo với các trường đại học, viện nghiên cứu như trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Dược Hà Nội, Viện nghiên cứu rau quả Trung ương; các công ty, doanh nghiệp nông nghiệp lớn trên địa bàn, chính quyền các địa phương…, để bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 69; giao cho các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ hỗ trợ, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt điểm để nhân rộng tại các địa phương. 



Cán bộ Công ty cổ phần Yên Thành hướng dẫn thành viên HTX chế biến măng tre Bát độ Phúc Lợi, xã An Bình kỹ thuật thu hoạch măng Bát độ. 

Ông Đỗ Kim Chung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: "Bên cạnh tham mưu cho UBND huyện triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh tới người dân, doanh nghiệp, HTX, Phòng Nông nghiệp & PTNT đã ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách chăn nuôi đặc sản hữu cơ, biên tập thành tờ rơi gửi các xã, thị trấn; xây dựng quy chế phối hợp giữa Phòng Nông nghiệp &PTNT, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và các ngành, đoàn thể của huyện trong triển khai thực hiện Nghị quyết 69. Bên cạnh đó, phòng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, xác định đúng đối tượng, diện tích để triển khai thực hiện các dự án liên kết chuỗi giá trị, dự án chăn nuôi, dược liệu đạt hiệu quả; kiểm tra các cơ sở đã đăng ký về con giống, quy mô chuồng trại, công tác phòng, chống dịch bệnh để thực hiện giải ngân”. 

Thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, huyện Văn Yên được phê duyệt hỗ trợ (đợt 1) là 2.678 triệu đồng, trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hoá hoặc đặc sản, hữu cơ là 2.188 triệu đồng (cho 93 cơ sở). Hiện nay, đã thẩm định được 58 cơ sở có đủ chuồng trại và con giống, tiến hành giám sát tiêm phòng vắc xin cho các hộ chăn nuôi và lấy mẫu giám sát dịch, dự kiến trung tuần tháng 7/2021 tiến hành nghiệm thu. 

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất măng tre Bát độ liên kết theo chuỗi giá trị, huyện Văn Yên được phê duyệt 600 triệu đồng, trong đó, năm 2021 được cấp 390 triệu đồng. Trong tháng 6/2021, đã thành lập HTX chế biến măng tre Bát độ Phúc Lợi xã An Bình, tổ chức ra mắt điểm thu mua, sơ chế măng tre tại HTX măng tre Bát độ Phúc Lợi; ký kết hợp đồng liên kết thu mua theo chuỗi. Đơn vị chủ trì dự án là Công ty cổ phần Yên Thành đang phối hợp với các bên liên quan tìm điểm chọn hộ thực hiện trồng mới diện tích măng tre Bát độ tại xã An Bình 60ha, Mậu Đông 10 ha; đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai trồng vào đầu vụ thu năm 2021.

Sức lan tỏa của Nghị quyết "69” đã trở thành động lực giúp người dân trên địa bàn huyện Văn Yên phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giá trị cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao. Nhờ vậy, tổng số đầu đàn gia súc chính của Văn Yên đang phục hồi, đúng với kịch bản tăng trưởng ngành chăn nuôi của huyện đề ra. 

Tính đến hết tháng 6, tổng đàn gia súc chính toàn huyện đạt 110.550 con, bằng 87% kế hoạch, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1.400 tỷ đồng. Văn Yên cũng được đánh giá là huyện có nhiều mô hình đăng ký thụ hưởng chính sách "69” nhất tỉnh. 

Được biết, ngoài 93 cơ sở đăng ký đợt 1, đến nay, trên địa bàn huyện đã có thêm 160 cơ sở đăng ký nhu cầu hỗ trợ (đợt 2) theo chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng; 3 dự án liên kết theo chuỗi giá trị đăng ký nhu cầu hỗ trợ với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 3,3 tỷ đồng, gồm: Dự án xây dựng chuỗi liên kết trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ có giá trị gia tăng cao; kết nối khách hàng thị trường xuất khẩu với người dân huyện Văn Yên; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ xã Đại Sơn; Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhãn chín muộn huyện Văn Yên.

Tạo đột phá từ Nghị quyết "69”, huyện chú trọng chỉ đạo tập trung đổi mới, củng cố các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa nông nghiệp của địa phương phát triển theo chuỗi giá trị, bền vững. 

Hồng Vân

Tags Văn Yên Nghị quyết 69 chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Các tin khác
Công nhân Công ty TNHH Quốc tế VINA KNF, huyện Trấn Yên trong giờ sản xuất.

Thực hiện "mục tiêu kép", các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vừa tăng cường phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là tranh thủ những thời cơ thuận lợi của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới để xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương.

Giá thịt lợn hơi đang giảm mạnh do nguồn cung dồi dào.

Nhập khẩu về một lượng lớn, cộng với nguồn cung trong nước tăng mạnh đẩy giá lợn hơi lao dốc, có nơi xuống dưới 60.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Yên Bình thăm mô hình vườn ươm của Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Tân Thành An

Với quy mô hơn 600 ha, từ năm 2014, Dự án trồng rừng nguyên liệu công nghiệp và phát triển một số loại lâm sản ngoài gỗ do Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Tân Thành An làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện tại thôn Tiền Phong, xã Xuân Long, huyện Yên Bình.

Việt Nam cần huy động khoảng 237 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 tới 2030 để bù đắp sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố đã phê duyệt khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,6 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường các quan hệ đối tác công – tư (PPP), phát triển khu vực tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục