Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp (DN) than khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng trong khi đang khát vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và trả lương để giữ chân người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, kéo dài.
Trong khi các DN "sống dở, chết dở” do "đói” vốn thì hầu hết ngân hàng đều lãi lớn. Theo thông tin từ SSI Research, 6 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng lãi "khủng” hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí có ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế tới 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận khủng là "ảo"?
Thực tế cho thấy, lãi suất tiết kiệm trên thị trường vẫn ở mức thấp so với các năm trước, nhưng lãi suất cho vay được cho là giảm không tương xứng, giảm không đáng kể.
Lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay cao, các ngân hàng đều chủ trương tiết giảm chi phí, room tín dụng các ngân hàng đang ở mức cao đã giúp các ngân hàng lãi khủng. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, số lãi khổng lồ của các ngân hàng có thể chỉ là lãi "ảo”, lãi trên… sổ sách, chứ không phải là lãi thực. Trong thời gian vừa qua, lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay giảm không tương xứng khiến biên độ lợi nhuận của các ngân hàng rộng ra, làm tăng biên độ lợi nhuận ròng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề: Liệu biên độ lợi nhuận đó có đúng với thực tế hay không, hay trong đó có một phần lãi ảo vì thực tế tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, rất nhiều doanh nghiệp khốn khó, lao đao. Nhiều khách hàng của ngân hàng là doanh nghiệp mất khả năng chi trả khiến nợ xấu lớn hơn nhiều so với sổ sách.
Nợ xấu ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng, nhiều ngân hàng phải xóa nợ, trừ vào vốn chủ sở hữu của mình. Nhưng cũng loại nợ nhóm 3, nhóm 4 mà ngân hàng không xóa nợ, lẽ ra họ phải trích lập dự phòng cao hơn nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép họ không trích lập dự phòng rủi ro, không chuyển nhóm nợ, và sự tranh giành giữa các nhóm nợ thực tế và nhóm nợ trên sổ sách được hạch toán trong một lộ trình kéo dài tới 3 năm, và trong 3 năm đó dự phòng rủi ro sẽ cao hơn. Do đó, trong lợi nhuận ngân hàng chứa đựng cả dự phòng rủi ro nên có một phần là ảo, TS. Hiếu phân tích.
Nhìn vào những con số lãi suất ngân hàng, dư luận xã hội bức xúc vì ngân hàng không chia sẻ trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Song, cũng cần nhìn nhận thực tế là lãi suất đó có thể chỉ là trên sổ sách, chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất sẽ tăng?
Về mặt bằng lãi suất trong 6 tháng cuối năm, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay khó giảm trong nửa cuối năm nay. Ông Hiếu dự báo, lãi suất huy động từ nay tới cuối năm sẽ tăng, và thực tế thì đã có một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng rồi.
"Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh, họ đã dùng hết room tín dụng rồi, nên từ nay đến cuối năm 2021 nếu NHNN cho phép nới room tín dụng thì các ngân hàng thương mại buộc phải huy động vốn nhiều hơn và phải tăng lãi suất lên để hấp thụ được vốn. Nếu không tăng lãi suất thì dòng tiền trong dân lại chảy vào các kênh khác như chứng khoán và bất động sản" - ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong 6 tháng đầu năm, CPI vẫn còn rất thấp so với con số 4%, song chỉ số này sẽ đi lên trong 6 tháng cuối năm bởi các chi phí đang tăng, từ sắt thép tới xăng dầu, điện, nước, nhu yếu phẩm… Nếu lạm phát tăng cũng sẽ đẩy lãi suất huy động đi lên. Khi đó, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, khiến DN đã khó lại càng khó khăn.
Các DN đang rất chật vật trong việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn trong khi chưa tiêm chủng đủ thì các gói hỗ trợ hiện tại vẫn chưa "ăn thua”, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng
Trong bối cảnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách khó khăn, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất xây dựng tổ hợp tín dụng (loan syndication) do NHNN chủ trì, các ngân hàng làm việc với nhau và cùng đóng góp vào đó. Tất cả các ngân hàng đều phải tham gia vào tổ hợp tín dụng với hạn mức là 300 nghìn tỷ đồng. Số tiền này phải được điều hành bởi một ngân hàng được bầu ra, và cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. "Tất nhiên, là phải có các tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp được vay vốn”, TS. Hiếu lưu ý.
DN được vay với thời hạn 5 năm, trong đó thời gian 3 năm đầu là vay tuần hoàn (vay – trả, vay – trả) và 2 năm sau là trả dần, với mức lãi suất từ 3 – 5%. Vì sao lại có mức lãi suất thấp này, theo lý giải của TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng có nguồn vốn huy động từ các tài khoản không kỳ hạn, gọi là nguồn vốn Casa – nguồn vốn này ở các ngân hàng lớn rất cao, có ngân hàng lên tới 40%. Các ngân hàng lấy nguồn vốn từ các tài khoản gửi không kỳ hạn với lãi suất cực thấp, thậm chí là bằng 0% để đóng góp vào tổ hợp tín dụng để cho các DN vay với lãi suất 3 - 5%.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, cần cho các DN vay với hình thức tín chấp. Song, như vậy sẽ rủi ro đối với các ngân hàng. Do đó, tổ hợp này cần phải kết nối với quỹ bảo lãnh tín dụng của chính phủ. Rất cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ 30 nghìn tỷ đồng và cho phép quỹ này bảo lãnh lớn gấp 10 lần số vốn tự có, và phù hợp với tổ hợp tín dụng với hạn mức 300 nghìn tỷ đồng. Với cơ chế này, các ngân hàng cho DN vay dưới sự bảo lãnh của quỹ này giảm thiếu được rủi ro và cho vay tín chấp với lãi suất thấp.
"Nếu chỉ hô hào mà không bắt tay vào thực hiện thì các doanh nghiệp không thể chờ đợi và sẽ chết dần chết mòn”, ông Hiếu thẳng thắn nêu ý kiến.
(Theo VOV)