Ngân hàng Yên Bái đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/7/2021 | 11:10:21 AM

YênBái - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của người dân và doanh nghiệp. Nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch (PCD) vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngành ngân hàng có những chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp với thực tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái.
Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp PCD Covid-19 trong tình hình mới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống. 

Theo đó, Chi nhánh yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn phục vụ SXKD nhưng không được hạ chuẩn lãi suất cho vay. 

Đồng  thời, tập trung triển khai quyết liệt các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. 

Cùng với hệ thống ngân hàng toàn tỉnh, Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái đã triển khai quyết liệt các giải pháp và các chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo phòng giao dịch chủ động rà soát, nắm bắt tình hình SXKD, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các khách hàng hoạt động SXKD trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu… Tính đến 24/6, tổng dư nợ của các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 là trên 1.643 tỷ đồng. Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 152 khách hàng với dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 39 tỷ đồng; cho vay mới 68 khách hàng với số tiền trên 1.526 tỷ đồng; hạ lãi suất trên dư nợ hiện hữu cho trên 7 nghìn khách hàng với số dư nợ trên 1.229 tỷ đồng”.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến nay, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 là 5.201 tỷ đồng, chiếm 18,87% so với tổng dư nợ trên toàn tỉnh. Các chi nhánh ngân hàng đang tháo gỡ khó khăn cho 21.821 khách hàng. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 990 khách hàng với dư nợ 867 tỷ đồng; doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay là 4.093 tỷ đồng đối với 13.784 khách hàng.

Trong đó, khách hàng là DN và hợp tác xã là 129 đơn vị với doanh số cho vay là 1.889 tỷ đồng, 13.655 khách hàng cá nhân với doanh số cho vay là 2.194 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 7.047 khách hàng, dư nợ được giảm lãi là 3.020 tỷ đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng và khả năng tài chính của từng chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng; giảm nhiều loại phí trong giao dịch với khách hàng.

Cùng đó, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết kiệm chi phí để tiếp tục hạ lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện, khả năng tài chính của từng đơn vị nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân và DN; trong đó, chú trọng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro, đảm bảo yêu cầu mở rộng tín dụng phải đi đôi với tuân thủ các điều kiện quy định của pháp luật, hạn chế tối đa nợ xấu gia tăng. Các tổ chức tín dụng tăng cường thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo điều kiện để khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. 

Với phương châm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm các chi nhánh ngân hàng đã có sự tăng trưởng tín dụng khá tốt. Ước đến 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 27.800 tỷ đồng, tăng 5,47% so với thời điểm 31/12/2020. 

Các chi nhánh ngân hàng đã thực hiện tốt việc cho vay các lĩnh vực ưu tiên như cho vay xuất khẩu, cho vay DN nhỏ và vừa góp phần hỗ trợ vốn cho các DN phát triển SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Cụ thể, dư nợ cho vay xuất khẩu đến 30/6/2021 ước đạt 1.140 tỷ đồng, tăng 22,71% so với 31/12/2020; dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến 30/6/2021 ước đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 12,48% so với 31/12/2020.

Thời gian tới, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng lên của khách hàng khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi.

Hồng Duyên

Tags Ngân hàng Yên Bái vay vốn doanh nghiệp

Các tin khác

Nghị quyết 69/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 69) thiết thực, phù hợp với người dân huyện vùng cao Trạm Tấu, giúp người dân nâng cao thu nhập, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Trình diễn máy cấy trên cánh đồng sản xuất giống Đông Cuông.

Máy cấy không còn lạ lẫm ở nhiều tỉnh. Nhưng đây là lần đầu nông dân ở tỉnh miền núi Yên Bái được tận mắt thấy một chiếc máy cấy hoạt động.

Trước đó, Yên Bái đã có 3 địa phương xuất hiện trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. (Ảnh: Hoài Văn)

Tính đến ngày 1/7, thị xã Nghĩa Lộ đã xuất hiện 17 con trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại khu vực chăn nuôi của xã Nghĩa Lộ và xã Phù Nham.

Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua 2016-2020, huyện Trấn Yên bê tông hóa 276,72 km đường GTNT, bằng 184,5% kế hoạch đề ra; mở mới 130 km đường vào khu vực sản xuất, xây dựng mới 217 công trình thoát nước trên các tuyến GTNT, để nối gần các thôn bản vùng sâu, các vùng sản xuất tập trung, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục