Sức mua trứng gà tăng cao
Ngày 13/7, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, khó khăn hàng hóa và nhân sự nhưng những ngày qua, đơn vị không tăng giá hàng hóa, để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân. Tuy nhiên, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, một số cá nhân đã mua gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán để trục lợi. Điều này khiến một vài mặt hàng hết cục bộ, không bổ sung kịp, làm người dân có nhu cầu thật sự lại không mua được hàng.
Điển hình, nhiều cá nhân vào siêu thị gom hàng mặt hàng trứng gà ra ngoài bán giá gấp đôi, gấp ba. Do đó, các siêu thị buộc phải treo bảng hạn chế số lượng trứng được mua trong một lần để giúp càng nhiều người mua được hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng truyền thông Aeon Việt Nam cho biết, đơn vị luôn nỗ lực và đảm bảo trữ lượng hàng hóa với mức giá cả ổn định, tránh tình trạng gom hàng giá rẻ trong siêu thị để ra bên ngoài bán lại giá cao. Đối với mặt hàng trứng gà, do sức mua tăng đột biến nên các nhà cung cấp cần thêm thời gian để chuẩn bị. Vì vậy, trong những ngày cuối tuần vừa qua đã xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ trong buổi sáng, nhưng đến chiều siêu thị đã bổ sung trở lại để cung ứng cho người dân. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng mua hàng tích trữ số lượng lớn, siêu thị đã đặt bảng thông báo mỗi khách hàng chỉ mua tối đa 2 vỉ trứng gà/ lần.
Các siêu thị treo bảng mỗi người chỉ được mua dưới 2 vỉ trứng/lần để hạn chế đầu cơ, tích trữ hàng hóa.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Central Group (hệ thống siêu thị Big C) cho biết, hiện nay mặt hàng trứng gà đang được tiêu thụ khá mạnh. Tuy nhiên, đơn vị không áp dụng giới hạn số lượng mặt hàng này, khách hàng muốn mua bao nhiêu thì do nhu cầu của khách. Việc giới hạn số lượng trứng gà cần mua sẽ khiến khách hàng lo lắng và sẽ đặt ra câu hỏi nghi vấn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, để kiểm soát việc giá cả hàng hóa, ngăn chặn đầu cơ, tích trữ hàng hóa, Sở Công Thương đã cử lực lượng kiểm soát thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình giá cả thị trường và cung ứng hàng hóa, kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh. Sở cũng phối hợp với Quản lý thị trường nhắc nhở những trường hợp mua tích trữ nhiều, có dấu hiệu gom hàng và xử phạt với các trường hợp vi phạm.
Hàng hóa dồi dào, giá không tăng
Hiện nay, ngay sau khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, các đơn vị siêu thị đã chủ động trữ lượng tồn kho gấp 2- 3 lần so với thường ngày để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao của khách hàng. Ngoài các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn... các siêu thị cũng tăng nguồn hàng lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào tại các siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Đại diện Tập đoàn Central Group cho biết, trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường hơn, hệ thống siêu thị Big C vẫn có đủ nguồn hàng cung ứng, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân thành phố. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống siêu thị Big C đang dồi dào, phong phú, người dân không cần đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, lượng hàng hóa đang đổ về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food rất nhiều và với việc các thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông nên công tác phân phối hàng hóa đến tay người dân sắp tới sẽ thuận lợi hơn. Hiện nay, tổng dự trữ hàng hoá thiết yếu lên đến khoảng 40.000 tấn. Ngày 13/7, giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng từ trước giãn cách cho đến nay, dù giá các các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần.
Hiện nay, đoàn thanh niên của Saigon Co.op, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với hơn 30 nghệ sỹ tại TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình tình nguyện 'Đi chợ giúp dân" trong mùa dịch". Các nghệ sỹ sẽ chọn các mặt hàng mà người dân đặt online.
"Saigon Co.op cũng cam kết với Chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện bình ổn hàng hóa siêu thị để chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo phòng tuyến cho người dân an tâm chống dịch. Vì vậy, người dân hãy yên tâm mua sắm hàng hóa thiết yếu mà không lo tăng giá cao tại tất cả các các hệ thống của siêu thị Saigon Co.op", ông Đức nói.
Theo thống kê của các siêu thị, những ngày gần đây lượng khách hàng mua sắm trực tiếp đã giảm và lượng khách hàng đặt hàng online qua web và app tăng khoảng 30 - 50 %.
"Tương tự, từ ngày 9/7, số lượng đơn hàng qua trang thương mại điện tử Aeon Eshop cũng tăng. Đơn vị đang tiếp tục tăng cường thêm nhân lực từ các khối nội bộ, khối văn phòng để tăng nhân sự hỗ trợ khâu soạn hàng cho các đơn hàng online, phối hợp với các đơn vị vận chuyển để khách hàng có thể nhận hàng trong vòng ba ngày”, ông Nguyễn Nhơn Quý nói.
Các siêu thị hiện đại tăng lượng đơn hàng online trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành MM Mega Market, hiện tại toàn bộ hệ thống đặt hàng online tại TP Hồ Chí Minh đều "quá tải". Đối với các siêu thị MM tại các khu vực khác, vẫn duy trì giao hàng trong bốn tiếng, riêng khu vực TP Hồ Chí Minh siêu thị sẽ giao hàng trong ngày. Trong trường hợp không thể giao trong ngày, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ gọi thông báo cho khách ngày giao cụ thể, khi khách hàng đồng ý với ngày giao hàng mới, nhân viên sẽ tiến hành xử lý đơn hàng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tình hình dịch bệnh tăng nhanh khiến nhu cầu mua hàng online của người dân cũng tăng mạnh. Vì thế, việc các trang bán hàng trực tuyến ngày càng "quá tải", trong khi nhân lực giao hàng tại các siêu thị lại thiếu vì nằm trong khu vực cách ly. Đó cũng là lý do khiến việc giao hàng cũng bị chậm trễ, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Nhân viên siêu thị Saigon Co.op chọn hàng theo đơn của người tiêu dùng đặt trên mạng và qua điện thoại.
Để giải quyết tình trạng 'quá tải" các đơn hàng trực tuyến, Sở đã cung cấp các đơn vị đầu mối thông tin hàng hóa tại các quận, huyện khi người dân có thể liên hệ mua hàng. Ngoài ra, để giảm bớt thời gian tìm kiếm các mặt hàng theo đơn mà khách đã đặt, các siêu thị cũng chuẩn bị đơn hàng theo mẫu có sẵn để người dân có thêm lựa chọn.
(Theo Tin Tức)