Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành thành viên, các địa phương triển khai các giải pháp phát triển KTTT phù hợp với thực tiễn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển KTTT; chủ động tư vấn, định hướng và hỗ trợ các HTX triển khai có hiệu quả các chính sách; hỗ trợ thành lập mới, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 51 HTX, tăng 59,38% so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 552 HTX, (trong đó 511 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012); thành lập mới 685 tổ hợp tác, tăng 71,25%, toàn tỉnh hiện có trên 5.126 tổ hợp tác. Khu vực KTTT tỉnh thu hút trên 60 ngàn người tham gia.
Với phương châm "phát huy nội lực; duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19”, các HTX đã đóng góp trên 79 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên đạt 4,65 triệu đồng/tháng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấ đã khẳng định: kết quả mà Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cũng như khu vực KTTT, HTX đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục là: tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT vẫn còn thấp; tỉ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh và sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX còn chưa cao, thiếu tính bền vững; việc liên kết, liên doanh giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả…
Đồng chí nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 những tháng cuối năm 2021 sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2021, Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái về phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển KTTT, HTX.
Khu vực KTTT cần chủ động trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Trong đó, phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Chú trọng phát triển các ngành nghề, sản phẩm thế mạnh của địa phương, sản phẩm chủ lực có khả năng xuất khẩu. Chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm phù hợp với quy luật khách quan.
Đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP, liên kết với doanh nghiệp, HTX và các mô hình kinh tế khác, góp phần tăng thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm mới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên và người lao động trong khu vực KTTT. Tiếp tục hình thành các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên thôn, liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX nhanh và bền vững.
Thanh Phúc