Trong 5 năm (2015 - 2020) tổng nguồn vốn tỉnh hỗ trợ cho phát triển sản xuất gần 500 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ chăn nuôi chiếm gần một nửa. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5 năm đạt 4,5%.
Đặc biệt, trong chăn nuôi gặp muôn vàn khó khăn bởi dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt trên 2% và huyện Trấn Yên trở thành một điển hình về phát triển chăn nuôi. Cụ thể, huyện đã có bước chuyển đổi căn bản từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Nông dân phần lớn sản xuất theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới và liên kết trong sản xuất đã làm tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: cùng với sự định hướng tuyên truyền, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân còn phải kể đến sự tác động từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhất là các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh đã tạo điều kiện phát triển chăn nuôi hàng hóa gắn với chuỗi giá trị.
Theo đó, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã hỗ trợ phát triển trên 400 cơ sở, nâng tổng số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn làm hàng hóa lên gần 700 (trong đó, có 324 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 243 cơ sở chăn nuôi lợn, 38 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, còn lại là nuôi thỏ, dê…). Mới đây, để tiếp thêm nguồn lực cho nông dân, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Trấn Yên đã tổ chức cho các đối tượng được thụ hưởng, nhất là hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa đặc sản, hữu cơ cho các hộ chăn nuôi gia súc; chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị măng tre Bát độ huyện Trấn Yên năm 2021; chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi Trấn Yên...
Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm tổng đàn gia súc chính đạt 63.800 con, bằng 91% KH, tăng 22.393 con so với cùng kỳ (đàn trâu 4.170 con; đàn bò 1.200 con; đàn lợn 58.430 con, đàn gia cầm trên 1.558 ngàn con). So với cùng kỳ, đàn gia súc tăng 22.393 con, đàn gia cầm tăng trên 508.000 con và đó là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 và Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Trấn Yên đã thực hiện hỗ trợ 118 cơ sở chăn nuôi lợn. Trong đó, chăn nuôi lợn thịt 14 cơ sở; chăn nuôi lợn nái 99 cơ sở; chăn nuôi lợn kết hợp 5 cơ sở, tổng số lợn nái đã hỗ trợ gần 600 con.
Nhờ vậy, đàn lợn nái trên đã sinh sản và tạo nguồn lợn giống khá lớn phục vụ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, giá thịt lợn hơi giữ ở mức cao đã tạo lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi. Cùng đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn đã tạo động lực cho người chăn nuôi tái đầu tư chăn nuôi lợn.
Qua đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 5.875 tấn, bằng 53,42% kế hoạch và tăng 906 tấn so cùng kỳ. Tiêu biểu trong chăn nuôi phải nói đến Doanh nghiệp Hòa Phát tại xã Lương Thịnh chăn nuôi theo công nghệ cao với quy mô 1.500 lợn nái/lứa và trên 10.000 lợn thịt/lứa; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp MQ, xã Minh Quán chăn nuôi gà với quy mô trên 50.000 con/lứa và còn ký hợp đồng liên kết chăn nuôi với gần 100 hộ dân để cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm gà Minh Dư với quy mô 180.000 con/lứa. Anh Đào Quang Hiệu ở xã Bảo Hưng đã nhận được 80 triệu đồng hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cùng với nguồn vốn tích cóp, anh đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô nuôi 100 con lợn nái và 400 con lợn thịt đã mang lại hiệu quả cao sau trừ chi phí công, thức ăn, thuốc thú y, vốn đầu tư... mỗi lứa cho lãi trên 200 triệu đồng.
Từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, đã thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và liên kết theo chuỗi sản xuất giá trị. Đó là cơ sở để phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc chính đạt trên 110.000 con và đưa chăn nuôi trở thành một ngành kinh tế chủ lực, góp phần xây dựng Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Thanh Phúc