Yên Bái đẩy nhanh cấp mã QR- Code cho phương tiện “luồng xanh” vận tải

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/8/2021 | 7:39:18 AM

YênBái - Trước yêu cầu bức thiết vừa phòng chống, dịch bệnh Covid-19 vừa thực hiện lưu thông cung ứng hàng hoá, phục vụ sản xuất, đời sống người dân, ngành giao thông vận tải Yên Bái đã, đang tích cực triển khai các biện pháp cấp Thẻ nhận diện phương tiện trên các “luồng xanh” vận tải cho các doanh nghiệp vận tải, nhà xe trong và ngoài địa bàn.

Các phương tiện vận tải có Thẻ dán mã QR- Code khi đi qua các chốt kiểm dịch y tế trên địa bàn phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong phòng, chống dịch Covid-19.
Các phương tiện vận tải có Thẻ dán mã QR- Code khi đi qua các chốt kiểm dịch y tế trên địa bàn phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong phòng, chống dịch Covid-19.

Qua đó, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, nông sản đã được cấp Thẻ nhận diện phương tiện có mã QR-Code để có thể di chuyển trong các "luồng xanh” vận tải qua các địa phương đang có tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngay khi biết được thông tin tất cả các phương tiện đi qua địa bàn thành phố Hà Nội phải có Thẻ nhận diện phương tiện để được ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh” vận tải, anh Phạm Văn Phan, lái xe vận tải hàng hoá tuyến Yên Bái - Thanh Hoá - Nghệ An đã thực hiện đăng ký, khai báo thông tin theo hướng dẫn trên website: http://luongxanh.drvn.gov.vn. 

"Sau khi được cấp Thẻ, tôi in Thẻ kèm theo mã QR- Code lên giấy khổ A5 để dán lên kính phía trước và in lên giấy khổ A4 để dán thêm lên kính hai bên cửa xe. Khi đi qua các chốt kiểm dịch, các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra quét mã QR này. Từ khi được cấp Thẻ nhận diện phương tiện, việc lưu thông trên đường được thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng hơn” - anh Phan cho biết thêm. 

Theo các lái xe, doanh nghiệp vận tải, việc đăng ký cấp Thẻ dán mã QR - Code được thực hiện hoàn toàn qua hình thức trực tuyến và không mất phí nên ngay khi có hướng dẫn của ngành chức năng, các nhà xe đã chủ động tìm hiểu và thực hiện đăng ký. 

Anh Đinh Quang Toàn, lái xe vận tải hàng hoá từ thị xã Nghĩa Lộ đi Vĩnh Phúc cho biết: "Trước đây, việc vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các địa phương thực hiện giãn cách. Từ khi thực hiện đăng ký Thẻ nhận diện phương tiện có mã QR, việc vận chuyển trong địa bàn tỉnh cũng như khi đi qua các địa phương khác được thuận tiện, dễ dàng hơn”. 

Trước yêu cầu các phương tiện vận tải phải có Thẻ dán mã QR- Code mới được tham gia vào "luồng xanh” vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe thực hiện đăng ký Thẻ nhận diện phương tiện và chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đó, các đối tượng áp dụng bao gồm: xe ô tô vận chuyển các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh... có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang bị phong toả, giãn cách hoặc khu vực có dịch. 

Ông Lê Tuấn Giang - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải cho biết: "Tổ chức, cá nhân có phương tiện vận tải đăng ký kê khai các thông tin theo hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, nếu các thông tin và các yêu cầu kèm theo đầy đủ, có xác nhận âm tính với SARS-CoV- 2 trong vòng 72 giờ kể từ thời gian được cấp và loại hàng hóa vận chuyển không bị pháp luật cấm sẽ được phê duyệt và tự động chuyển lại cho các tổ chức cá nhân tự in và dán trên xe theo quy định. Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận đăng ký, giải quyết và trả hồ sơ trực tuyến, không thu bất cứ khoản lệ phí nào”.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, từ ngày 20 - 30/7/2021, Sở đã tiếp nhận 2.451 hồ sơ của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Qua kiểm tra, xử lý đã cấp 923 Thẻ nhận diện phương tiện, số hồ sơ còn lại do không phiếu xét nghiệm, không có phiếu xét nghiệm hợp lệ, không có đơn đề nghị, nội dung đề nghị không hợp lệ nên Sở trả lại và yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ, thông tin.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh cũng xây dựng kế hoạch, tổ chức phân luồng, hướng dẫn cụ thể về các tuyến "Luồng xanh "Yên Bái kết nối "luồng xanh” quốc gia, "luồng xanh” các địa phương đến thành phố Yên Bái, đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để các doanh nghiệp vận tải, lái xe nắm được và thực hiện. 

Ngoài ra, ngành giao thông yêu cầu các phương tiện được cấp Thẻ nhận diện phương tiện phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký cấp Thẻ và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát liên ngành, các sở giao thông vận tải trong quá trình vận chuyển; các lái xe chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên đường và tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Ông Lê Tuấn Giang cho biết thêm: "Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh” vận tải sẽ tự hủy trong các trường hợp như: khi hết hạn ghi trên Thẻ, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện hoạt động không đúng hành trình đăng ký; cơ quan chức năng phát hiện đơn vị vận tải khai báo thông tin không trung thực”.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa đang rất cấp bách, do vậy, việc đẩy nhanh việc cấp Thẻ nhận diện phương tiện có mã QR - Code trên các "luồng xanh” vận tải có ý nghĩa quan trọng để giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gẫy, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu vừa chống dịch vừa sản xuất. 

Luồng xanh tỉnh Yên Bái kết nối luồng xanh Quốc gia: 

- Từ Yên Bái đi Hà Nội: Từ Yên Bái đi IC12 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - Nút giao Km0+00 - Hà Nội và ngược lại.

- Từ Yên Bái đi Lào Cai: Từ Yên Bái đi IC12 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - IC18 - Lào Cai và ngược lại.

- Từ Yên Bái đi Hà Giang: Lộ trình: Từ Yên Bái đi theo quốc lộ 37 - thành phố Tuyên Quang - quốc lộ 2 đi Hà Giang và ngược lại.

- Từ Yên Bái đi Lai Châu: Từ Yên Bái đi IC12 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - IC19 - QL4D - đi Lai Châu và ngược lại.

- Từ Yên Bái đi Sơn La: Từ Yên Bái đi theo quốc lộ 37 - ngã ba Ba Khe, huyện Văn Chấn - quốc lộ 37 đi Sơn La và ngược lại.

- Lộ trình (Luồng xanh) các phương tiện quá cảnh qua địa bàn tỉnh Yên Bái: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 70, quốc lộ 32, quốc lộ 32C, quốc lộ 37.

Luồng xanh địa phương đến thành phố Yên Bái:

- Huyện Văn Yên, Trấn Yên: Đi theo tỉnh lộ 163 (Yên Bái - Khe Sang) đến thành phố Yên Bái và ngược lại;

- Huyện Trạm Tấu: Đi theo tỉnh lộ 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu)  :÷ quốc lộ 32 (đến Km 172) : sang quốc lộ 37  :  thành phố Yên Bái và ngược lại;

- Huyện Lục Yên: Đi theo tỉnh lộ 171 (Khánh Hòa - Minh Xuân) ra ngã ba giao giữa quốc lộ 70 với tỉnh lộ 171 ( Km 97+50, QL70) - quốc lộ 70 vào thành phố Yên Bái và ngược lại.

- Huyện Yên Bình: đường Nguyễn Tất Thành : thành phố Yên Bái và ngược lại;

- Huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn: quốc lộ 32 (đến Km172) : quốc lộ 37 : quốc lộ Yên Bái và ngược lại.

Hùng Cường

Tags Yên Bái cấp mã QR- Code luồng xanh vận tải

Các tin khác
Thu hái chè Bát Tiên ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.

Những năm gần đây, nông dân Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và cả môi trường sống.

Nông dân huyện Trấn Yên thu hoạch măng Bát độ. (Ảnh: Quyết Thắng).

Năm 2021, là năm đầu thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII (Nghị quyết 69) - Kỳ họp thứ 20.

Thương hiệu Mật ong Mù Cang Chải được hình thành thông qua việc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Nông dân huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng đàn ong mật.

Vài năm gần đây, hàng loạt đặc sản địa phương của Yên Bái đã và đang được triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và định vị thương hiệu thông qua hình thức xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đến nay, toàn tỉnh có 21 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ SHTT,

Xuất khẩu sản phẩm dệt may sang các nước CPTPP và EU tăng mạnh trong thời gian qua.

Việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đang mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Việt Nam. Trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt hơn 40 tỉ USD, sang các nước tham gia CPTPP đạt hơn 38,7 tỉ USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục