Thông tin này vừa được Ngân hàng Nhà nước phát đi chiều 10-8, sau khi xuất hiện một số thông tin đồn đoán về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái mang tính nới lỏng trong thời gian tới.
Ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành, hay là có sự điều chỉnh mức độ đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
"Bởi khi đưa ra quyết định thay đổi điều chỉnh không phải theo ý chí chủ quan của nhà điều hành, mà phụ thuộc vào tính khách quan cần thiết của nền kinh tế", ông Tú nói.
Cụ thể, theo ông Đào Minh Tú, để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn, mà trước hết phải đảm bảo được mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của quốc gia trong ngắn và trung hạn.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế.
Hơn nữa, qua phân tích diễn biến thị trường, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy vốn khả dụng các ngân hàng thương mại hay là thanh khoản các ngân hàng thương mại khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh và đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương.
Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện", ông Tú khẳng định.
Về giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, vừa qua trên một số nhóm về chứng khoán đã lan truyền tin đồn về việc tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái mang tính nới lỏng tiền tệ, trong đó có việc hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi đối với nhiều kỳ hạn và loại tiền khác nhau. Trong đó cơ bản là tiền gửi VND kỳ hạn dưới 12 tháng nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên với công bố mới nhất này, Ngân hàng Nhà nước đã phủ nhận tin đồn trên.
(Theo TTO)