Y Can là xã có nhân lực lao động dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề trồng rau màu, đây cũng được xác định là ngành chủ lực và thế mạnh của địa phương. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của địa phương, Hợp tác xã (HTX) Minh Tiến đã được thành lập vào năm 2020 và hoạt động theo Luật HTX 2012.
Thay đổi thói quen sản xuất
Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của người dân phần lớn phụ thuộc vào thời tiết và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, làm ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy khi mới tham gia HTX, việc sản xuất rau an toàn của các thành viên cũng gặp những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, bằng hình thức trồng thử nghiệm, sau đó nếu có kết quả tốt thì mở rộng diện tích, cùng với đó là cam kết HTX luôn tích cực tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm, các thành viên đã dần có thiện cảm với mô hình sản xuất rau an toàn. Đến nay, các thành viên đều thay đổi thói quen canh tác theo hướng "xanh” với môi trường.
Khác với canh tác theo kiểu truyền thống, hiện nay, các thành viên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học. Thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ phun đúng loại, cách ly đủ ngày. 10 ngày sau khâu làm đất, phơi đất cho khô, làm sạch nấm mốc, khử khuẩn diệt nấm, thành viên mới tra giống, gieo hạt.
Thêm vào đó, chỉ phun thuốc nấm khi cây trổ 3 lá và kể từ đó chỉ tưới nước cho cây. Với cách làm này, lượng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 70%, phân bón giảm 50% so với canh tác truyền thống.
Không chỉ bảo đảm chất lượng sản phẩm mà cách thức sản xuất này còn có tác dụng tích cực với môi trường bởi tỷ lệ phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất vào đất, nước, không khí đã giảm rõ rệt.
Theo thành viên HTX, thông qua những buổi họp, các buổi tuyên truyền tập huấn, mọi người được nghe về tác hại của thuốc trừ sâu, của phân hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng đến sức khỏe, môi trường. Vì thế, các thành viên đã tuyên truyền để nhiều người tham gia trồng rau an toàn, vừa có sản phẩm đảm bảo vệ sinh, vừa có điều kiện để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, HTX đã thu hút được 15 thành viên và diện tích sản xuất của các thành viên đều được chứng nhận VietGAP.
Khẳng định thương hiệu
Ngoài tuân thủ các kỹ thuật sản xuất, HTX còn vận động thành viên đầu tư xây dựng nhà màng để trồng rau. Trong nhà màng, thành viên sắp xếp, bố trí các khu vực gieo cấy hợp lý, bảo đảm trong vườn luôn có đủ các loại rau và có khoảng cách giữa rau mới trồng và rau đến kỳ thu hoạch nên thời điểm nào cũng có rau bán.
Không những vậy, rau được trồng trong nhà lưới còn xanh tốt, phát triển đồng đều hơn rau được trồng theo hướng truyền thống, chi phí sản xuất thấp do hạn chế được ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh
"Từ khi làm nhà màng, không những các loại rau không bị sâu bệnh, thành viên còn trồng được rau trái vụ nên cho năng suất, chất lượng. Thu nhập sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dao động khoảng 150- 400 triệu đồng/năm”, chị Nguyễn Thị Mến. Giám đốc HTX, cho biết.
Hiện nay, rau của HTX được cung cấp cho các bếp ăn tập thể, các trường học trên địa bàn huyện và một số cửa hàng rau sạch tại TP. Yên Bái. Đặc biệt, được sự quan tâm từ địa phương, trong năm 2020 HTX xây dựng được 3 sản phẩm OCOP gồm rau cải mèo Y Can, rau cải canh Y Can và rau cải ngọt Y Can.
Sau thời gian hoạt động, HTX Minh Tiến được coi là một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp bền vững của Yên Bái vì không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn nâng cao chất lượng môi trường sinh thái tại địa phương.
Theo Ban giám đốc HTX, sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững đang là xu hướng được nhiều địa phương trên cả nước hướng đến. Chính vì vậy, việc lựa chọn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Minh Tiến cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đây còn là một nội dung quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, hướng tới nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
(Theo vnbusiness.vn)