Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Để đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân, ngoài việc đội ngũ bưu tá cùng lực lượng shipper của các đơn vị được cấp mã hoạt động trong thời gian giãn phải tuân thủ nguyên tắc 5K và quy định phòng chống dịch, bản thân các doanh nghiệp chuyển phát cũng phải ứng dụng công nghệ để tối ưu việc chuyển phát hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Giao – nhận qua tủ phát hàng tự động
Tủ phát hàng tự động (Post Smart) là ứng dụng công nghệ giao - nhận hàng đang được ứng dụng phổ biến tại nhiều nước phát triển như Anh, Đức, Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc... Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường bán lẻ, thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dùng trong thời đại dịch bệnh.
Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đang vận hành dạng tủ phát hàng tự động này để hạn chế tiếp xúc trực tiếp ở những vùng dịch nguy cơ cao. Tại các địa bàn cung cấp dịch vụ Post Smart, thay vì đến bưu cục để nhận hoặc được bưu tá phát tại địa chỉ, khách hàng của Vietnam Post có thể đến điểm tủ đăng ký để tự lấy bưu gửi.
Theo đại diện của Vietnam Post, đơn vị đang vận hành thí điểm 40 tủ phát hàng tự động Post Smart, trong đó có 22 tủ tại TP.HCM và 18 tủ tại Hà Nội. Sau thử nghiệm, đơn vị sẽ hoàn thiện giải pháp để lên phương án sớm mở rộng.
Để chọn nhận bưu phẩm gửi qua tủ Post Smart, người dùng sẽ liên hệ với doanh nghiệp qua một trong các hình thức: hotline, số điện thoại bưu cục gửi hàng, Fanpage của Vietnam Post, tạo yêu cầu thay đổi địa chỉ trên ứng dụng "My Vietnam Post”, yêu cầu bưu tá phát tại điểm tủ Post Smart mong muốn. Khi bưu gửi về Post Smart đã đăng ký, người dân sẽ dùng mã OTP hoặc mã QR được Vietnam Post gửi đến để nhập/quét mã mở tủ, thanh toán và nhận hàng.
Bưu phẩm gửi được lưu giữ trong tối đa 48h kể từ khi về tủ, giúp khách hàng chủ động trong việc sắp xếp thời gian đến điểm Post Smart lấy hàng. Cước phí nhận hàng được thanh toán qua ví điện tử bằng thao tác quét mã QR hiển thị trên màn hình tủ.
Theo đại diện Vietnam Post, đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp là rất cần thiết. Với Post Smart, người dùng có thể nhận hàng mà không cần tiếp xúc ở khoảng cách gần với bưu tá hay giao dịch viên. Quá trình nhận hàng từ khi nhập mã, thanh toán, mở tủ, lấy hàng chỉ diễn ra trong vài phút, giúp giảm thiểu tối đa thời gian giao dịch.
Giảm thiểu số nhân lực với bưu cục số
Tương tự, bưu cục số là mô hình được Viettel Post áp dụng từ tháng 5 nhằm góp phần mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ với sự hỗ trợ của công nghệ số. Đến nay, trên toàn quốc đã có hơn 1.100 bưu cục số được mở, trong đó TP.HCM có trên 200 điểm.
Với bưu cục số, nhân sự tại mỗi bưu cục chỉ 1 người, thay vì có từ 3 - 5 nhân sự như mô hình truyền thống. Trưởng bưu cục số được trang bị những công cụ công nghệ số hỗ trợ cho các đầu việc diễn ra tại bưu cục thường, phụ trách và chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu gồm cả giao và nhận.
Điều này giúp công việc có thể diễn ra bình thường ngay trong mùa dịch, doanh nghiệp không phải điều động nhiều nhân sự, góp phần hạn chế tiếp xúc giữa các nhân viên tại điểm bưu cục. Việc nhân sự của bưu cục số chỉ hoạt động trong 1 khu vực nhất định cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Theo đại diện Viettel Post, việc để 1 nhân sự bưu cục số chịu trách nhiệm hoạt động tại 1 địa bàn nhất định đang phát huy ưu điểm tại các địa phương giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Chỉ thị 16 quy định thành phố cách ly thành phố, quận cách ly quận, phường cách ly phường nên tại 1 địa bàn nhỏ chỉ cần có 1 bưu cục số hoạt động thì luồng kết nối hàng hóa trọng yếu vẫn có thể thông suốt. Viettel Post vừa có thể duy trì hoạt động nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
"Hiện Viettel Post có thể kiểm soát được hành trình di chuyển của các Trưởng bưu cục số qua ứng dụng. Trong trường hợp họ không may tiếp xúc F1 hay F2, việc khoanh vùng cũng nhanh và chính xác hơn”, đại diện Viettel Post cho biết.
Ngoài ra, Viettel Post còn sử dụng ứng dụng nội bộ hỗ trợ theo dõi quãng đường đi, lượt khách hàng tiếp xúc của bưu tá trong thời gian làm việc. Với Vietnam Post, ứng dụng phát Ding Dong dành cho bưu tá và phần mềm điều tin PacknSend là 2 giải pháp đang được sử dụng, cho phép đơn vị nắm bắt được tình hình phát hàng.
Theo Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện có 5 doanh nghiệp bưu chính được cấp phép hoạt động tại các khu vực giãn cách xã hội gồm Vietnam Post, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco, với tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp này cung ứng tới người dân các địa phương trên cả nước là khoảng 15.000 tấn.
Hiện nay, cùng với việc đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại Hà Nội trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách, theo sự điều phối của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp bưu chính đang tập trung để vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại 19 tỉnh, thành phía Nam gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bạc Liêu.
(Theo VOV)