Văn Chấn: Dịch "ngăn", chè tồn, doanh nghiệp khó khăn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2021 | 11:04:40 AM

YênBái - Chè Văn Chấn năm nay đạt sản lượng cao song dịch bệnh Covid- 19 đã khiến cho các đơn hàng không thể xuất đi do việc giãn cách cũng như hạn chế vận chuyển, lượng hàng tồn kho của các cơ sở chế biến chè ngày một nhiều, nhiều đơn vị chỉ dám sản xuất cầm chừng...

Sản xuất chè đen tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh, huyện Văn Chấn.
Sản xuất chè đen tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh, huyện Văn Chấn.

Thời tiết thuận lợi, sản lượng chè búp tươi cao và có nhiều đơn hàng đã ký kết từ trước nên niên vụ 2021 sản xuất, chế biến, kinh doanh chè huyện Văn Chấn kỳ vọng sẽ đạt năng suất, sản lượng đã đề ra. Thế nhưng, dịch bệnh Covid- 19 đã khiến cho các đơn hàng không thể xuất đi do việc giãn cách cũng như hạn chế vận chuyển, lượng hàng tồn kho của các cơ sở chế biến chè ngày một nhiều, nhiều đơn vị chỉ dám sản xuất cầm chừng...

Ông Nguyễn Ngọc Thận - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh cho biết: "Thời điểm này những năm trước, sản lượng chè của Hợp tác xã đạt khoảng 400 tấn, nhưng năm nay chỉ được 200 tấn và còn 100 tấn tồn kho chưa thể xuất bán do các đơn vị thu mua không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao”. 

Tình trạng tồn kho sản phẩm cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè khác, trong đó Công ty TNHH Bình Thuận tồn 300 tấn, Hợp tác xã Kiến Thuận tồn 100 tấn, Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh tồn 150 tấn, Công ty TNHH Linh Thuận tồn 170 tấn... 

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Văn Chấn có 51 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất, chế biến chè. Giá trị sản phẩm chè chiếm 26% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sản phẩm chè chế biến phần lớn chưa tiêu thụ được, các đơn vị chế biến chè xuất qua trung gian chỉ để lưu kho bãi, chưa xuất ra nước ngoài. 

Bà Hoàng Thị Lý - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: "Qua rà soát, đến đầu tháng 7/2021, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp (bao gồm lưu kho tại doanh nghiệp và lưu tại kho của doanh nghiệp đầu mối các tỉnh) vào khoảng trên 5.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng chè thành phẩm đã sản xuất của các doanh nghiệp. Điều này khiến cho các doanh nghiệp thiếu vốn quay vòng sản xuất và giá thành chè búp tươi, chè thành phẩm thấp hơn trung bình hàng năm”. 

Để ổn định ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, huyện Văn Chấn vận động người dân chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhằm duy trì vùng nguyên liệu bền vững, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, huyện chủ động nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình hoạt động các doanh nghiệp để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài tỉnh, giúp cho doanh nghiệp nội huyện chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh việc liên hệ với các khách hàng truyền thống, tăng cường giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm đối tác mới để thúc đẩy việc tiêu thụ. 

Văn Chấn cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; vận động các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có để tạo thêm sản phẩm mới và tăng thêm năng lực sản xuất cho ngành; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau thời gian có dịch; triển khai đúng, đủ các chính sách hỗ trợ đầu tư về khuyến công, khoa học công nghệ; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn hiện nay... 

Hùng Cường

Tags chè Văn Chấn hàng tồn doanh nghiệp khó khăn

Các tin khác
Diện tích ngô ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải được chăm sóc, phát triển tốt.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu được giao theo Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa 28 chỉ tiêu được giao thành 42 chỉ tiêu chủ yếu, đồng thời triển khai nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế với nhiều kết quả nổi bật.

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành quyết định không áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm gỗ MDF có độ dày dưới 6mm nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan...

(Ảnh minh hoạ)

Nội dung đơn giản hóa của cả hai nhóm thủ tục hành chính bao gồm: quy định về thành phần hồ sơ, quy định về xử lý đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp.

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trấn Yên thực hiện điểm giao dịch tại xã.

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả thị trường có một số biến động ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân… song, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Trấn Yên đã điều chỉnh linh hoạt các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục