Gần hai tháng nay, anh Nguyễn Văn Việt, chủ nhà xe Hà Bình chuyên chạy tuyến Yên Bái - Lào Cai đã phải dừng hoạt động. Thời điểm chưa có dịch, mỗi ngày nhà xe thu nhập từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng khi dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh nên phải dừng hoạt động. Sau nhiều ngày xe không hoạt động, anh Việt đã phải thuê thợ sửa chữa để khởi động lại xe, bảo dưỡng vì để lâu xe sẽ hỏng nặng hơn. Là phương tiện để mưu sinh, anh không thể bỏ mặc và mong dịch bệnh COVID-19 sớm được khống chế, nhà xe có thể hoạt động trở lại.
Anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ: "Không có khách nếu có cố chạy thì mỗi chuyến về cũng lỗ từ 500.000 - 700.000 đồng nên xe để im một chỗ từ 2-3 tháng nay. Lo ngại nhất là xe để lâu quá không chạy sẽ tiêu hao hết điện và hao mòn xe”.
Hàng chục nhà xe khác của Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái hiện cũng không thể hoạt động. Gần 200 phương tiện xe vận tải hành khách liên tỉnh do công ty quản lý đều dừng hoạt động nhiều ngày nay. Không hoạt động, đồng nghĩa không có doanh thu; những lao động như: lái xe, phụ xe cũng tự nghỉ không lương, còn các chủ xe đứng ngồi không yên vì họ chịu cảnh lỗ đơn, lỗ kép.
Hiện tại, có những nhà xe trung bình mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng cả trăm triệu đồng vì vay ngân hàng đầu tư vào các phương tiện. Ngoài ra, các chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, đăng kiểm và hàng loạt chi phí khác như: bảo hiểm, thuế vẫn không được giãn hay hoãn. Chính vì thế, kéo theo nhiều hệ lụy, khi doanh thu của công ty đã giảm từ 75 - 80%, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hơn 300 lao động phải tạm nghỉ việc không lương.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Chủ nhà xe Việt Phương - Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái bày tỏ: "Xe không chạy nhưng vẫn phải chi trả cho đủ loại phí như: đăng kiểm, đăng ký, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm thân vỏ. Chi phí lớn nên doanh nghiệp đang phải bù lỗ cho xe, cho nhân viên và lái xe để đảm bảo khi đi làm thì vẫn tính công”.
Theo ông Đinh Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái, gần như toàn bộ những xe chạy tuyến liên tỉnh, nhất là chạy tuyến Yên Bái - Hà Nội đều dừng hoạt động. Hiện tại, những xe hoạt động chỉ còn những xe chạy nội tỉnh; hoạt động chỉ để cầm cự vì lượng khách không có.
Bên cạnh đó, mặc dù công ty cũng đẩy mạnh kết nối vận tải liên tỉnh và nội tỉnh cho vận tải hành khách, nhưng lượng khách cũng vẫn giảm do lượng xe nghỉ hoạt động quá nhiều. Do đó, doanh thu của công ty giảm mạnh chỉ còn khoảng gần 25% so với trước khi có dịch. Nguồn thu không đủ để đảm bảo các khoản chi phí nên doanh nghiệp đang hết sức khó khăn.
Không vận tải tuyến xe khách cố định, liên tỉnh bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp kinh doanh taxi ở Yên Bái cũng không ngoại lệ. Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Yên Bái hiện tại với 55 đầu xe, nhưng gần như không hoạt động. Thậm chí, có gần 30 lái xe đã phải bỏ việc vì thu nhập bấp bênh, lượng khách sử dụng dịch vụ đã giảm tới 80%. Nhiều đối tác ký kết hợp đồng vận tải taxi cũng đã thoái vốn dẫn tới công ty khó khăn để tổ chức kinh doanh bình thường.
Ông Phạm Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Yên Bái cho biết, công ty ảnh hưởng nhiều về vấn đề nhân sự, nhất là anh em lái xe do phải do tiếp xúc trực tiếp khách hàng cho nên nhiều người e ngại về vấn đề dịch bệnh. Doanh thu xuống thấp nên họ không có lương, thậm chí âm lương nên anh em lái xe chán nản. Hiện, công ty có khoảng 18 xe không chạy do không có lái xe và cũng không tuyển mới được.
Số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Yên Bái cho thấy, tỉnh Yên Bái có 6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, với gần 300 phương tiện các loại, bao gồm: 220 xe chạy tuyến liên tỉnh, 73 xe chạy tuyến nội tỉnh và 67 chuyến xe đối lưu của các tỉnh tham gia hoạt động trên tuyến.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động vận tải hành khách với lưu lượng xe khách liên tỉnh giảm mạnh. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài thì nguy cơ phá sản của những doanh nghiệp vận tải hành khách rất hiện hữu.
Dự kiến, hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra vào ngày 21/8 sẽ là dịp để tỉnh Yên Bái lắng nghe, tiếp thu và đưa ra các giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nói chung; trong đó, có các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách.
(Theo Tin tức)