Công điện của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Giám đốc Sở GTVT các tỉnh, thành nêu rõ: Thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT đã rất nỗ lực, cố gắng, khắc phục nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.
Đặc biệt trong công tác vận tải, đã thực hiện linh hoạt, kịp thời không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống COVID-19; nhu yếu phẩm của nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ sản suất, xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ vận tải hàng hóa đã xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Công an thành phố Hà Nội có quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thanh Nga, Chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam do đã có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015".
Đối tượng Hoàng Thị Thanh Nga. Ảnh: Công an TP Hà Nội
Vụ việc này đã ảnh hưởng đến danh dự uy tín của ngành GTVT, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để kịp thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, nhằm nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng tiêu cực, yêu cầu:
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục có liên quan.
Quán triệt, rút kinh nghiệm tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ được giao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt trong nhiệm vụ phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT, Sở GTVT-Xây dựng rà soát việc triển khai thực hiện cấp Giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định.
Trước đó, Báo Sức khoẻ & Đời sống đã đăng tải loạt bài viết phản ánh việc nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi thực hiện đăng ký "luồng xanh" tại đường link http://luongxanh.drvn.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đặc biệt, việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại các địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế. Có doanh nghiệp phản ánh khi đăng ký "luồng xanh", hệ thống hay trả lời mail phản hồi thiếu các thông tin cần khai báo.
Tuy nhiên, khi thông qua "cò" dịch vụ với số tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng thì các doanh nghiệp lại dễ dàng đăng ký "luồng xanh" để hoạt động.
Theo các lái xe, cực chẳng đã mới phải bỏ tiền nhờ dịch vụ bởi để chậm ngày nào là thiệt hại hàng hóa, chi phí ngày đó. Mà đăng ký lại thì không biết phải mất bao nhiêu lần tiền xét nghiệm COVID-19 (có thời hạn 3 ngày) để được duyệt.
Để khắc phục tình trạng trên, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã vận hành phần mềm kê khai thông tin Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa.
Đây là hệ thống hoàn toàn tự động, doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện tự kê khai hồ sơ, kê khai thông tin (chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin kê khai) và Hệ thống sẽ tiến hành cấp tự động.
Các xe đã được cấp mã QR code trước thời điểm 18h ngày 26/8 tiếp tục được sử dụng đến khi hết hiệu lực. Sau khi hết hiệu lực đề nghị truy cập địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn để cập nhật thông tin và nhận mã QR Code mới. Sau khi nhận được mã QR Code mới, tài xế in và dán lên xe để sử dụng.
(Theo SKĐS)