Những ngày này, bà con trên khắp các vườn đồi ở xã An Bình, huyện Văn Yên đang tích cực thu hoạch măng tre Bát độ. Từ thôn Trung Tâm đến thôn Khe Trang, măng được thu hoạch, sau đó, chuyển đến các điểm thu mua của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi, đơn vị được thành lập theo chuỗi liên kết thu mua măng tre Bát độ trên địa bàn xã.
Anh Trần Văn Hưởng, thôn Khe Trang cho biết: "Hiện, gia đình tôi có khoảng 5 ha tre măng Bát độ nhưng năm nay mới có một nửa diện tích bắt đầu cho thu hoạch. Bên cạnh đó, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi cùng với một số hộ trồng măng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi ký kết hợp đồng liên kết, thu mua toàn bộ sản phẩm tre măng trên địa bàn”.
Theo thống kê của xã An Bình, từ năm 2017 đến nay, nhân dân trên địa bàn xã trồng được 150 ha tre măng Bát độ; trong đó, có trên 50 ha đang cho thu hoạch. Dự kiến năm 2021, nhân dân xã An Bình thu hoạch gần 1.400 tấn măng tươi, thu về trên 4 tỷ đồng.
Cùng với xã An Bình, cây tre măng Bát độ cũng được trồng ở nhiều xã của Văn Yên như: Tân Hợp, Đông An, Lâm Giang... Đến nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có khoảng 300 ha tre măng Bát độ, trong đó có 200 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha.
Ngoài triển khai thu mua tập trung tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi thì ở các xã còn lại, do diện tích cho thu hoạch còn ít, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương hoặc chế biến thành măng khô bán trên địa bàn các xã trong huyện.
Ông Lê Văn Quyền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Việc chuyển diện tích trồng keo, bồ đề kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ là một trong những giải pháp mũi nhọn của huyện trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo tại huyện. Với việc trồng tre lấy măng, nhiều hộ trên địa bàn đã thoát nghèo và đi lên làm giàu từ loại cây này. So với những cây trồng trước đây như bồ đề, keo thì giá trị cây măng cao hơn 2,5 - 3,0 lần nếu trồng trên đất đồi rừng”.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển trồng tre măng Bát độ lấy măng trên địa bàn huyện gặp một số tồn tại, khó khăn về vốn, nhân công, giống và nông dân vẫn trồng mang tính tự phát, riêng lẻ, thiếu sự liên kết bền vững...
Để phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện Văn Yên đã và đang triển khai đẩy mạnh phát triển các dự án về nông lâm nghiệp; trong đó, có cây tre măng Bát độ.
Theo đó, huyện liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành thực hiện "Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị măng tre Bát Độ huyện Văn Yên năm 2021” với tổng diện tích 200 ha; trong đó, hỗ trợ trồng mới 130 ha tại xã An Bình, Mậu Đông; tư vấn đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, diện tích tre kinh doanh 70 ha.
Bên cạnh đó, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu, phát triển trồng mới hàng năm; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch măng tre Bát độ, thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp trong thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường phối hợp với Công ty cổ phần Yên Thành hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn người dân khai thác, trồng, sơ chế măng, sản phẩm măng sẽ được Công ty chế biến theo dây chuyền công nghệ đảm bảo được chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản phẩm măng sẽ có được sự cạnh tranh cao trên thị trường.
Hùng Cường