Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, xã Púng Luông đã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chăn nuôi và đề ra nhiều giải pháp phù hợp nên đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều năm nay, cùng với sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Lý A Cha ở thôn Nả Háng Tâu luôn chú trọng đến phát triển đàn vật nuôi của gia đình. Hiện, anh Cha có 4 con trâu, 2 con bò và đây là tài sản chính nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, bò hàng năm luôn được gia đình anh đặc biệt quan tâm.
"Để nhân rộng đàn vật nuôi theo hướng hàng hóa, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ, gia đình tôi còn chủ động dự trữ nguồn thức ăn đầy đủ; mùa đông làm chuồng kín cho đàn gia súc; không thả rông mà đưa đàn trâu, bò từ bãi thả chăn nuôi về nuôi nhốt tập trung tại nhà. Nhờ vậy, đàn trâu, bò của gia đình luôn phát triển tốt, đem lại nguồn thu cao”- anh Cha chia sẻ.
Cũng như anh Cha, hộ ông Lù Sáy Chu ở bản Púng Luông có thâm niên hơn 13 năm trong chăn nuôi trâu, bò và hiểu được đặc điểm thời tiết của vùng cao là thường rét đậm, rét hại về mùa đông và thường xảy ra các dịch bệnh vào mùa xuân nên việc tiêm phòng và chuẩn bị nguồn thức ăn để chăn nuôi tại nhà đối với đàn gia súc luôn được ông chú trọng hàng đầu.
"Đối với gia đình tôi, đàn trâu, bò là khối tài sản lớn, mọi việc to, việc nhỏ, sửa chữa nhà cửa đều trông chờ vào đàn vật nuôi. Bởi vây, hàng năm được cán bộ chuyên môn của huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trồng cỏ voi, mở rộng quy mô, chăn nuôi theo hướng hàng hóa nên đến nay gia đình có 10 con trâu, 5 con bò và hàng năm cho thu nhập cao” - ông Chu cho biết.
Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt sản xuất hai vụ lúa và đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất thì việc đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; đặc biệt là vận động các hộ chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích các mô hình trang trại vừa và nhỏ đã được xã Púng Luông đặt lên hàng đầu.
Ông Thào Bua Tủa - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Là địa phương có diện tích đất tự nhiên rộng, cùng với lúa, trồng rừng, xã chỉ đạo người dân chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo đó, hàng năm, xã chủ động rà soát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chăn nuôi để người dân đăng ký; tập trung tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hộ chăn nuôi nên tiêm phòng cho vật nuôi; đặc biệt chú trọng chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò khi bước vào mùa đông. Trong đợt 1/2021, xã cũng đã tiêm 1.100 liều vắc - xin phòng lở mồng long móng và phun thuốc tiêu độc khử trùng ở 8/8 bản”.
Đến nay, tổng đàn gia súc của xã Púng Luông có gần 5.400 con; trong đó, đàn trâu, bò có 1.401 con; đàn lợn 3.312 con, đàn dê 160 con và đàn gia cầm có hơn 16.500 con; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại nuôi nhốt gia súc đạt trên 95%. Nhờ tập trung vào phát triển chăn nuôi, đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả.
Với mục tiêu tăng trưởng từ 7 - 8% hằng năm đối với tổng đàn gia súc chính, phấn đấu đến năm 2025 nâng tổng đàn gia súc chính lên trên 7.099 con, trong thời gian tới, xã Púng Luông tiếp tục duy trì và phát triển tổng đàn gia súc hiện có; thường xuyên phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả và mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình; tăng cường trồng cỏ, dự trữ rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc, nhất là vào mùa đông để tránh tình trạng trâu, bò bị chết rét, đói...
Văn Tuấn