Hàng trăm con lợn đen, gà đen, dê được chăn thả dưới những tán quế trùng điệp. Đó là mô hình của ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn - một trong những người tiên phong kết hợp chăn nuôi dưới tán cây quế đặc sản ở huyện Văn Yên.
Ông Thuận cho biết: "Trang trại nhà tôi thường xuyên duy trì khoảng 8 con dê giống, 80 - 100 con dê thương phẩm, 20 con gà cẩm giống, 400 - 500 con gà thương phẩm và 60 - 70 con lợn thương phẩm. Những giống con này được nuôi thả dưới tán quế, thức ăn của chúng chủ yếu là cây cỏ dại và ngô hạt. Điều này, đã giúp gia đình không chỉ tiết kiệm được công làm cỏ cho quế mà còn tạo ra được những sản phẩm đặc trưng của địa phương: lợn quế, gà quế, dê quế”. Được biết, với cách kết hợp chăn nuôi độc đáo này, hàng năm gia đình ông Thuận thu về hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi.
Ngoài gia đình ông Thuận, mô hình nuôi gà dưới tán quế hiện nay đã xuất hiện nhiều ở Văn Yên.
Ông Trần Trọng Biên, thôn Đá Bia, xã Tân Hợp cho biết: "Cây quế thường được trồng trên rừng, đồi thấp gần nhà, nên việc nuôi gà dưới tán quế rất thuận tiện cho việc theo dõi, chăm sóc. Trong khi đó, gà được nuôi thả ngoài đồi trong môi trường thoáng mát, tự đào bới thức ăn không chỉ giúp vật nuôi ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Sau khoảng 3 tháng tham gia chăn nuôi theo Dự án, hiện trọng lượng bình quân của đàn gà đạt trên 1 kg, tỷ lệ sống đạt trên 99%”.
Được biết, Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế được triển khai tại 10 xã (Châu Quế Hạ, Đại Sơn, Nà Hẩu, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Ái, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Tân Hợp) với 10 hộ tham gia; trong đó, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 100 con gà giống và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.
Để Dự án được triển khai hiệu quả, huyện Văn Yên chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Dự án; phân công từng cán bộ phụ trách các mô hình và hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc, nuôi dưỡng; theo dõi sát sao mô hình từ khi triển khai, quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi để đảm bảo việc thực hiện các mô hình có chất lượng, hiệu quả.
Ông Lê Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Ngay khi Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế được thông qua, Phòng đã triển khai hướng dẫn, đôn đốc các xã rà soát, lựa chọn đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ; phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp con giống cho các hộ tham gia mô hình; đồng thời, thực hiện báo cáo hàng tuần về tình hình phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế theo quy định. Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai, tỷ lệ sống của đàn gà tại các mô hình đạt 97%, với trọng lượng bình quân từ 1,3-1,5 kg”.
Theo đánh giá, việc nuôi gà ri dưới tán cây quế giúp vật nuôi có sức đề kháng bệnh tốt, giỏi kiếm ăn và chỉ 3 - 4 tháng là được xuất bán. Tuy đẻ trứng ít và tăng trọng lượng thấp, nhưng chi phí thức ăn và thuốc thú y cho một đơn vị sản phẩm ít, nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, gà thả dưới tán cây quế sẽ được đi lại vận động nhiều, thịt chắc và thơm ngon, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Vì vậy, giá bán gà thả dưới tán cây quế luôn cao hơn so với giá bán gà nuôi công nghiệp.
Trong khi đó, hiện nay, huyện Văn Yên hiện có trên 50.000 ha đất trồng quế nên Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế sẽ khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích tán quế để phát triển chăn nuôi gà, nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác, sử dụng đất, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân đất quế Văn Yên.
Hùng Cường