Mô hình sản xuất bí xanh thơm của ông Lò Văn Cù ở thôn Lừu I, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu được Hội Nông dân huyện hỗ trợ giống bí xanh thơm lấy từ tỉnh Bắc Cạn về trồng thử nghiệm trên đất 1 vụ lúa.
Ông đã gieo trồng, chăm bón đúng kỹ thuật nên vụ đầu tiên thu đạt 6 tạ quả/vụ với giá bán 15.000 đồng/kg và thu về gần chục triệu đồng. Nếu so với trồng lúa 1 vụ thì giá trị kinh tế tăng gấp đôi. Sau khi trồng thử, thấy giống bí xanh này năng suất, thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, năm 2021, ông Cù tiếp tục sản xuất thêm 3 giàn bí xanh và thu đạt khoảng 3 tấn quả, đem về nguồn thu trên 30 triệu đồng.
Ông Mè Văn Sức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hát Lừu cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con trong xã tích cực tham gia trồng bí xanh thơm theo mô hình của ông Lò Văn Cù để tăng thêm thu nhập. Hiện, toàn xã đã có nhiều hộ trồng và có nguồn thu nhập góp phần cải thiện đời sống”.
Gia đình bà Giàng Thị Sày ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ lại chọn mô hình trồng cây sâm Hoàng Sin Cô trên đất lúa nương kém hiệu quả. Sau vụ trồng thí điểm thành công, bà đã tập trung phát triển loại cây này và mỗi năm thu về gần 30 triệu đồng/vụ nên cuộc sống được nâng lên. Năm 2021, bà Sày tiếp tục trồng sâm Hoàng Sin Cô với diện tích trên 1.000 m2 và hiện cây đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn một vụ bội thu.
Bà Sày cho hay: "Được Hội Nông dân huyện hỗ trợ giống cây sâm, hướng dẫn cách trồng và lúc đầu do chưa quen cách làm nên tôi lo bị thất thu, nhưng không ngờ nó đã đem lại giá trị cao bất ngờ và ngay vụ đầu tiên tôi có nguồn thu trên chục triệu đồng. Trong 3 năm qua, nhờ tích cực trồng sâm Hoàng Sin Cô, cuộc sống của gia đình tôi đã được nâng lên rõ rệt”.
Hiện tại, bà con xã Xà Hồ đã chuyển trên 3 ha đất trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng sâm. Cây sâm Hoàng Sin Cô thường trồng vào tháng 1, tháng 2, thu hoạch vào tháng 9, tháng 10. Mỗi héc-ta có thể cho thu hoạch từ 20 đến 25 tấn củ và với giá bán 8.000 đồng/kg có thể thu về trên 100 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa, ngô.
Anh Vàng A Lừ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xà Hồ cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên tuyền, vận động bà con chuyển đổi thêm những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng sâm Hoàng Sin Cô để tăng thu nhập cho bà con”.
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Trạm Tấu đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi và các loại giống cây trồng mới.
Qua triển khai thực hiện một số loại cây trồng đã khẳng định được sự thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương. Hiện nay, ngoài những cây trồng đã cho hiệu quả kinh tế như khoai sọ nương, cây sâm Hoàng Sin Cô, bí xanh thơm…, Hội Nông dân huyện tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm các loại giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như: giống bí đỏ hồ lô, chanh leo, bơ shap 034, hồng giòn không hạt Nhật Bản và cây lê vàng trên diện tích 6 ha.
Tuy nhiên, để các mô hình cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất.
Cùng đó, các địa phương cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Thực hiện tốt hơn nữa việc liên kết giữa khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để người dân yên tâm sản xuất.
Ông Trần Văn Hai - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trạm Tấu cho biết: "Thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì các mô hình đã triển khai thành công và tiếp tục tuyển chọn một số cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương về trồng thử nghiệm tại các xã, thị trấn”.
Sùng A Hồng