Văn Yên “mở tấm lòng”, rộng thêm đường mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 1:47:26 PM

YênBái - Không do dự khi ký vào bản cam kết hiến đất, tự nguyện dịch tường rào, công trình phụ, cây cối để dành mặt bằng sạch cho đơn vị thi công... Đó là những suy nghĩ, hành động “mở tấm lòng” của hàng trăm hộ ở các xã Xuân Ái, Viễn Sơn, Yên Phú, Yên Hợp, huyện Văn Yên.

Cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Văn Yên tiến hành đo đạc, kiểm kê tài sản, diện tích đất trong diện thu hồi.
Cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Văn Yên tiến hành đo đạc, kiểm kê tài sản, diện tích đất trong diện thu hồi.

Nhờ đó, trên 24 ha đất sản xuất, thổ cư và hàng chục nghìn cây quế, cây lâm nghiệp khác đã được nhân dân đồng thuận dỡ bỏ, hiến tặng, góp phần để Dự án cải tạo, sửa chữa, mở rộng tuyến đường liên xã hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ.

Dự án sửa chữa nâng cấp đường Xuân Ái - Viễn Sơn - Yên Phú - Yên Hợp có tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi với chiều dài trên 22 km. Điểm đầu cách vị trí giao cắt với đường tỉnh 166 (Quy Mông - Đông An) tại lý trình 26+250 m thuộc địa bàn xã Xuân Ái; điểm cuối giao cắt với đường tỉnh 166 (Quy Mông - Đông An) tại lý trình 29+600 thuộc địa bàn xã Yên Hợp. 

Trong đó, đoạn qua trung tâm xã Viễn Sơn và xã Yên Phú có bề rộng nền đường 12,5m, bề rộng mặt đường là 6,5 m. Các đoạn tuyến còn lại có bề rộng nền đường là 6,5 m và bề rộng mặt đường là 3,5 m. Thời gian qua, nhiều đoạn trên tuyến đường liên xã này đã bị xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại, giao thương của nhân dân gặp nhiều khó khăn. 

Vì thế, khi Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường được triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hàng trăm hộ dân. Trong đó, nhiều hộ đã "mở tấm lòng” dời tường rào, dỡ bỏ cây cối để tạo mặt bằng cho Dự án được triển khai kịp tiến độ. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Phú Sơn, xã Yên Phú tận dụng diện tích mặt đường ở khu vực trung tâm xã mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa và cho thuê trọ kiếm thêm thu nhập. Mặc dù việc kinh doanh này mang lại nguồn thu thường xuyên nhưng khi được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, gia đình ông Tiến đã đồng ý dỡ bỏ phần mái, tường nhà nằm trong phần mở rộng tuyến đường để dành mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Ông Tiến cho biết: "Tính ra, nhà tôi mất 45 m2, tất cả đều là đất ở nông thôn. Mặc dù mất phần đất này có ảnh hưởng đến nguồn thu cả gia đình nhưng mình vì cái chung của bà con là mong muốn có con đường to đẹp hơn nên gia đình tôi rất đồng thuận. Hiện, chỉ mong chính quyền các cấp hỗ trợ việc dỡ bỏ mái tôn, tường nhà cho thuận tiện, nhanh gọn để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”. 

Cũng đồng thuận hiến đất, mở rộng đường như ông Tiến, ngay từ giữa tháng 8, ông Vi Ngọc Lâm, thôn Yên Phú đã thuê người khai thác 500 cây quế từ 4 - 5 tuổi để kịp bàn giao mặt bằng như đã cam kết với chính quyền địa phương. 

"Phần diện tích quế là trên 3.200 m2 cộng với hàng rào, sân bê tông, gia đình tôi đã chủ động thu hoạch và tháo dỡ bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 8. Mong sao, các đơn vị thi công nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để người dân chúng tôi có đường mới để đi” - ông Lâm cho bày tỏ.

Theo ông Trương Ngọc Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú: địa phương chia thành từng tổ công tác đến từng hộ để vận động, giải thích và 1 lần chưa được thì đến lần 2, lần 3. Đến nay, toàn bộ 525 hộ trên địa bàn có diện tích nằm trong diện thu hồi đã đồng ý dỡ bỏ cây cối, tường rào, công trình phụ để bàn giao cho đơn vị thi công.

Ngoài xã Yên Phú, phong trào hiến đất làm đường cũng lan tỏa rộng khắp đến các hộ dân các xã có tuyến đường đi qua. Ai cũng "mở lòng”, sẵn sàng dịch rào, dịch tường, khẩn trương khai thác cây trồng, thu hoạch nông sản để dành mặt bằng sạch nhanh nhất cho đơn vị thi công. 

Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến các gia đình: bà Doãn Thị Ngọc, xã Viễn Sơn đã hiến gần 160 m2 đất ở với giá trị khoảng 35 triệu đồng; ông Trần Mạnh Hùng, xã Xuân Ái tự nguyện hiến trên 2.000 m2 đất nông nghiệp; ông Nguyễn Văn Nam, xã Yên Hợp hiến gần 3.500 m2 đất nông nghiệp… 

Theo ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, để tạo sự đồng thuận, huyện chỉ đạo các xã có tuyến đường chạy qua huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và cách làm, đề cao sự nêu gương của đảng viên. 

Quá trình tuyên truyền, vận động luôn cầu thị, lắng nghe người dân, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể; qua đó, giải quyết kịp thời một số thiếu sót trong triển khai; đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhiều nguyện vọng chính đáng của bà con. 

Nhờ đó, tất cả người dân dọc tuyến đường đều rất đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng dịch rào, dỡ bỏ công trình phụ, cây cối để mở rộng đường. Từ những người hiến đất tiên phong ban đầu, sau thời gian rất ngắn, 100% người dân có đất bám dọc tuyến đã "mở lòng”, đồng thuận hiến trên 247.278 m2 đất cho Nhà nước với tổng trị giá trên 6 tỷ 400 triệu đồng. 

Trong đó, xã Xuân Ái có 45 hộ hiến 24.203,7 m2 đất; Viễn Sơn có 187 hộ hiến 65.719,2 m2 đất; Yên Phú có 525 hộ hiến 107.539,7 m2; Yên Hợp có 159 hộ hiến 49.816,2 m2 đất. Người dân đã hiến đất phấn khởi cùng nhau chặt bỏ cây cối, hoa màu để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công và tự hào khi gia đình mình đã góp một phần làm nên niềm vui chung của nhân dân 4 xã.

Sự đồng thuận, "mở tấm lòng” của hàng trăm hộ dân dọc tuyến đường đã nhanh chóng tạo mặt bằng sạch cho các đơn vị triển khai thi công với mục tiêu hoàn thành trong vòng 9 tháng kể từ ngày khởi công (rút ngắn khoảng 1/4 thời gian thi công). 

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ cải thiện đáng kể vấn đề giao thông đi lại cho nhân dân, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo sự kết nối có tính lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện Văn Yên.

 Hùng Cường

Tags xây dựng nông thôn mới mặt bằng sạch mùa mưa lũ thúc đẩy giao thương hàng hóa

Các tin khác
Những cánh rừng thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải tiềm ẩn nguy cơ cháy cao trong mùa khô.

Sau nhiều năm không để xảy ra cháy rừng, mùa khô 2020 - 2021, trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải đã xảy ra 2 vụ cháy rừng. Bước vào mùa khô năm nay, huyện tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại...

Xuất cấp gạo hỗ trợ các tỉnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký các quyết định xuất cấp gạo, nhà bạt, máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Mô hình chăn nuôi dê của nông dân xã Minh Xuân được hỗ trợ theo Nghị quyết 69.

Đơn cử, xã Tân Lĩnh có 6 hộ đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn kết hợp theo hướng hàng hóa, nhưng sau một thời gian triển khai, 5 hộ xin rút do không đáp ứng được các tiêu chí chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuồng trại không tách biệt với khu sinh hoạt của gia đình.

Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trồng thử nghiệm giống lúa Bắc thơm 7 tại xã Đại Phác.

Huyện Văn Yên vừa tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trồng thử nghiệm giống lúa Bắc thơm 7 tại xã Đại Phác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục