Từ năm 2015 đến nay, HĐND tỉnh đã có 3 nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, có Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh năm 2020 tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ chức, hộ cá thể trong tổ chức sản xuất sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ.
Nghị quyết 69 được HĐND tỉnh thông qua tháng 12/2020; trong đó, đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ các chuỗi liên kết trong các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, Nghị quyết có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ cá thể bởi sự phát triển kinh tế hộ là mắt xích quan trọng, là cơ sở để tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết sản xuất mới. Sau hơn 8 tháng triển khai, bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nhỏ ở các địa phương.
Huyện Lục Yên là vùng đất đã từng có nhiều loại cây ăn quả đặc sản, trong đó có cam sành. Năm 2020, Công ty TNHH Sơn Tùng đã liên kết với 24 hộ dân xã Tân Lĩnh, Tô Mậu và thị trấn Yên Thế cùng liên kết xây dựng chuỗi phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích 78 ha, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng.
Trong đó, doanh nghiệp đầu tư 3,2 tỷ đồng, hỗ trợ theo Nghị quyết 69 gần 1 tỷ đồng, còn lại là kinh phí của 24 hộ tham gia chuỗi liên kết. Với sự tham gia của doanh nghiệp, việc xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ được những chuyên gia đầu ngành của ngành nông nghiệp tư vấn; trong đó, có phương án xản xuất và phát triển thị trường.
Ông Mai Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tùng cho biết: "Với một quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị cam Lục Yên sẽ tăng lên. Tuy nhiên, với sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ đóng vai trò quan trọng quyết định thành công của dự án. Có sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi có phương thức cũng như điều kiện tốt để tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị và đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, HTX mà Lục Yên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hoặc ký kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc triển khai Nghị quyết 69 cũng gặp nhiều khó khăn; trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là việc triển khai chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ. Nhiều hộ dân mặc dù đã đăng ký nhưng phải xin rút hoặc chuyển sang năm 2022.
Bà Hoàng Thị Thanh Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết: "Xã có 6 hộ đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn kết hợp theo hướng hàng hóa, nhưng sau một thời gian triển khai, 5 hộ xin rút do không đáp ứng được các tiêu chí chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuồng trại không tách biệt với khu sinh hoạt của gia đình. Các hộ chăn nuôi quy mô hộ không có giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật hoặc cơ sở được giám sát dịch bệnh động vật theo quy định”.
Qua 8 tháng triển khai, huyện Lục Yên có 137 cơ sở đăng ký theo 2 chính sách hỗ trợ: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả liên kết theo chuỗi giá trị và Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hoặc đặc sản hữu cơ với tổng số tiền hỗ trợ trên 3 tỷ đồng.
Được biết, trong tổng số 137 cơ sở đăng ký mới chỉ có 1 cơ sở được hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, còn lại là hộ gia đình. Số hộ chăn nuôi theo hướng đặc sản hữu cơ, có một số cơ sở chưa đáp ứng được tiêu chí chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhất là điều kiện, vị trí chuồng chại chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Để Nghị quyết 69 đi vào cuộc sống, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; chú trọng phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Định hướng phát triển bền vững, các địa phương cần ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường…
Anh Dũng