Đây là các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, với những ưu điểm như lúa cứng cây, có khả năng chống đổ, đẻ nhánh khá, chất lượng gạo ngon; có khả năng chịu rét, ít bị nhiễm các bệnh khô vằn và đạo ôn hơn so với các giống khác.
Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn và triển khai mô hình. Được tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, vụ mùa này, ông Nông Thiện Khẩn, thôn Hin Lạn, xã Lâm Thượng dành toàn bộ diện tích lúa của gia đình gieo cấy bằng giống lúa thuần HG12. Tham gia mô hình giống mới, ông Khẩn và các hộ trong xã được hỗ trợ 100% lúa giống.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Khẩn chia sẻ: "Năm nay là vụ đầu tiên gia đình tôi cấy giống lúa này. Qua thu hoạch, tôi thấy năng suất cao hơn so với những giống trước đây gia đình đã cấy. Vì vậy, vụ tới tôi sẽ tiếp tục cấy giống này”.
Mô hình trồng giống lúa thuần HG12 được thực hiện tại các thôn: Bản Muổi, Bẻ Chỏi, Này Lay, xã Lâm Thượng, quy mô thực hiện 10ha. Quá trình thực nghiệm cho thấy, giống lúa thuần HG12 có nhiều ưu điểm nổi trội như: ngắn ngày, thân cứng, chiều cao cây vừa phải, cây đẻ nhánh khỏe, chống đổ, thoát cổ bông tốt, độ thuần đồng ruộng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, gieo cấy được 2 vụ trong năm, năng suất trung bình đạt 66,5 tạ/ha, chất lượng gạo ngon.
Ông Phạm Hải Thoại - Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: "Qua khảo sát, bà con nông dân xã Lâm Thượng - địa phương triển khai nhiều nhất giống lúa HG12 của huyện cho thấy bà con rất phấn khởi vì thời gian được thu hoạch nhanh, ít sâu bệnh gây hại, năng suất cũng không kém so với nhiều giống chất lượng cao khác”.
Tại xã Mường Lai, vụ mùa này, bà con các thôn 3, 4, 8 tham gia mô hình gieo cấy giống lúa thuần HANA6. So với các giống cũ địa phương vẫn đang gieo cấy, lúa thuần HANA6 hiện sinh trưởng, phát triển tốt. Mặc dù mới đưa vào vụ đầu tiên, song qua đánh giá cho thấy, giống lúa này đẻ nhánh khỏe, bộ lá xanh đậm, thích ứng rộng, chịu lạnh tốt, chống đổ, chống chịu được sâu bệnh, năng suất đạt 230 kg/sào, tương ứng 63,7 tạ/ha.
Bà Hoàng Thị Cảnh ở thôn 4, chia sẻ: "Gia đình có hơn 4 sào ruộng thì năm nay trồng toàn bộ giống lúa này. Tôi thấy ưu điểm lớn nhất của giống lúa HANA6 là khả năng đẻ nhánh khá, tập trung, gọn khóm, cứng cây, bộ lá khỏe, trỗ tập trung, năng suất tương đối cao và ổn định, khả năng chống chịu sâu bệnh tương đối tốt”.
Được biết, các giống lúa mới đã cho hiệu quả, có thể tiếp tục đưa vào trồng đại trà trong những vụ mùa tiếp theo nhằm từng bước thay thế các giống lúa cũ đã thoái hóa, năng suất thấp, không còn phù hợp với đồng ruộng địa phương.
Ông Trần Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cho biết: "Qua đánh giá thực tế, các mô hình lúa mới trong vụ mùa trên địa bàn huyện đã cho những ưu điểm nổi trội, chúng tôi sẽ tham mưu giúp UBND huyện đưa vào cơ cấu thời vụ sản xuất của huyện trong những năm tới để giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Hiệu quả các mô hình khảo nghiệm lúa thuần trong vụ mùa năm 2021 sẽ là tiền đề để nông dân trên địa bàn huyện từng bước nhân rộng mô hình, thay thế dần những giống lúa truyền thống cho chất lượng và khả năng kháng sâu bệnh kém, giá trị thấp; đồng thời sử dụng phân bón và sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật tiến bộ, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn thực phẩm.
Hoàng Anh