Nằm trong vùng trọng điểm sản xuất CVĐ, theo kế hoạch, vụ đông năm nay, xã An Thịnh được huyện Văn Yên giao chỉ tiêu sản xuất 190 ha cây vụ đông. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, xã phấn đấu gieo trồng 200 ha CVĐ, trong đó ngô trên đất 2 vụ lúa là 191,5 ha còn lại là rau màu các loại. Đến thời điểm này, nông dân trong xã đã cơ bản gieo trồng xong diện tích ngô đông.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: "Ngay sau tổng kết sản xuất vụ mùa, xã đã chủ động phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo sản xuất CVĐ của xã đôn đốc nhân dân các thôn khẩn trương triển khai kế hoạch trồng cây vụ đông, trọng tâm cây ngô là chính; tập huấn kỹ thuật làm bầu ngô, trồng và chăm sóc ngô cho bà con nông dân”.
Thời điểm này, trên các tràn đồng thôn Làng Cau, Khe Cỏ, Làng Lớn..., nông dân hối hả làm đất gieo trồng CVĐ. Khẩn trương làm đất để gieo trồng nốt diện tích ngô đông trên chân ruộng 2 vụ lúa, chị Nguyễn Thị Mừng - thôn Làng Cau cho biết: "Nhà tôi có 6 sào ruộng, vụ đông năm nào gia đình cũng trồng ngô, cây rau màu nhưng ngô vẫn là cây trồng chủ lực của gia đình. Ngoài phục vụ chăn nuôi thì trồng ngô cũng giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt". Trên cánh đồng thôn Khe Cỏ, gia đình anh Quang Hiếu đang trồng khoai lang.
Anh Hiếu cho biết: "Nhà tôi có hơn 5 sào ruộng, trong đó hơn 3 sào trồng ngô, còn lại gần 2 sào trồng rau màu các loại. Ngô đã trồng xong, gia đình tôi đang tập trung trồng khoai lang và các loại rau gia vị để tăng thêm thu nhập”.
Vụ đông 2021, huyện Văn Yên đặt mục tiêu trồng 2.350 ha cây màu các loại. Trong đó diện tích ngô đông 1.750 ha trở lên (ngô trên đất 2 vụ lúa 1.000 ha, ngô trên đất soi bãi 750 ha), năng suất phấn đấu đạt 37 tạ/ha, sản lượng 6.465 tấn; khoai lang 100 ha, dự ước sản lượng đạt 560 tấn; cây rau màu các loại trên 500 ha, năng suất 105 tạ/ha, sản lượng 5.250 tấn.
Để sản xuất vụ đông đạt mục tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng cũng như giá trị kinh tế, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động bà con lúa chín đến đâu thu hoạch nhanh gọn đến đó, thực hiện phương châm "sáng lúa, chiều ngô”; đẩy nhanh tiến độ làm đất, áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu, sử dụng bón phân hữu cơ, an toàn; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu hạn, chịu rét và đặc biệt tuân thủ nghiêm lịch gieo trồng.
Đối với ngô là cây trồng chủ lực, các địa phương sử dụng 100% giống ngô lai có thời gian sinh trưởng dưới 125 ngày, trong đó ngô tẻ chiếm tỷ lệ 80 - 85% diện tích; các loại rau màu, đậu đỗ sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo hướng an toàn, trồng rải vụ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Ngoài vùng sản xuất chuyên canh CVĐ Đại - Phú - An, huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, trong đó chủ lực vẫn là cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa.
Các địa phương tập trung phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, vận động gia đình, nhân dân tích cực sản xuất vụ đông; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất sát với thực tế; chủ động cân đối, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất các mô hình trong vụ đông có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường cán bộ xuống thôn bản, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân sản xuất đúng khung lịch thời vụ, áp dụng các biện pháp thâm canh nhằm tăng năng suất và hiệu quả, giá trị cây trồng.
Cùng đó, các địa phương cần đa dạng các loại cây rau màu. Huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp cung ứng kịp thời, đầy đủ, bảo đảm cả số lượng, chất lượng các loại giống cây trồng, phân bón; tăng cường điều tra, dự báo để phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh phát sinh trong vụ đông.
Thanh Tân