Cách đây 76 năm, ngày 13/10/1945, trong lá thư đầu tiên gửi tới giới Công Thương, Bác Hồ đã viết "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Và từ đó đến nay, khắc ghi lời dạy của Bác, giới doanh nhân Việt Nam đã và đang ra sức thực hiện, với mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay với vô vàn khó khăn, bủa vây bởi dịch Covid 19, tinh thần đó vẫn được thể hiện rõ nét.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ngày 20/9/2004, khi đó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp luôn thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình trên mọi mặt trận, cũng như là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Năm 1945, ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, giới doanh nghiệp đã tích cực ủng hộ "Tuần lễ Vàng”. Không chỉ những thương nhân giàu có mà gần như mỗi gia đình tiểu thương dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng "Quỹ Độc Lập”. Người nhiều ủng hộ tới 500 cây vàng như gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô, nhiều tiểu thương ở các vùng nông thôn còn ủng hộ bò, đôi bông tai ít ỏi là của hồi môn – tài sản duy nhất để góp cho cách mạng.
Tinh thần đó càng thể hiện rõ trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 ập đến như một trận cuồng phong khủng khiếp và chưa từng có đã càn quét khắp toàn cầu. Đối với lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân, ảnh hưởng từ dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, thử thách, lao đao, kiệt quệ. Song trong bối cảnh đầy chông gai đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch vẫn không quên trách nhiệm cộng đồng xã hội, tinh thần tương thân tương ái, chung tay chia sẻ với các cấp chính quyền, tỉnh, thành phòng, chống dịch. Hàng ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp ủng hộ cho quỹ vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến, cách ly y tế... Khi dịch ở vào thời điểm căng thẳng nhất, vẫn có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiên cường, bám trụ, vững chí và thích ứng đầy sáng tạo để tiếp tục trụ vững và có mặt trên thương trường.
Đội ngũ doanh nhân vẫn đang nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước
Ban quản trị Tập đoàn Trường Sinh - một Tập đoàn phát triển đa ngành nghề đã vạch ra tỉ mỉ các kịch bản, tình huống cũng như kế hoạch, giải pháp để ứng phó với dịch: vừa thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn trong sản xuất, vừa mạnh dạn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thực hiện phương thức bán hàng online nhằm tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn. Một số khâu vận hành trong các nhà máy, chế biến được đẩy mạnh thực hiện theo quy trình tự động hóa nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Sinh Lê Thanh Thiên tiết lộ, Tập đoàn tập trung chia sẻ khó khăn của các đối tác để vẫn bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp khi dịch xảy ra và không quên trách nhiệm xã hội.
"Chúng tôi mạnh dạn thay đổi về công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng với thời điểm này, tìm ra những giải pháp để vừa hoạt động kinh doanh trong nước và vừa tìm đối tác xuất khẩu nước ngoài. Cùng với đó, ngưng hoạt động đối với những mặt hàng không thiết yếu và chưa phải là mặt hàng chủ lực. Trong các đợt dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, những sản phẩm nghiên cứu về y dược của công ty đã trao cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, và chỉ trong vòng 3 đến 5 ngày, những người có triệu chứng nhẹ đã giảm bệnh. Sau đợt dịch này, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh nghiên cứu về y dược của Việt Nam để cho ra đời nhiều sản phẩm mới phục vụ cho chữa trị Covid-19 cho cộng đồng", ông Lê Thanh Thiên cho biết.
Còn theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn cũng là một phép thử để tạo ra sức bật cho cộng đồng doanh nghiệp. Từ tâm dịch của Thành phố trong những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp luôn "đồng cam cộng khổ” để vượt qua đại dịch. Hàng trăm cuộc thảo luận trực tuyến giữa các Hiệp hội, thành viên, doanh nghiệp… diễn ra bất kể ngày hay đêm. Qua đó để đưa những giải pháp tối ưu nhất, mô hình sản xuất hợp lý cũng như các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, để có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Hiện nay, trong bối cảnh bình thường mới, mặc dù sẽ còn muôn vàn khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất sau dịch, song nhiều doanh nghiệp đều xác định chỉ có đổi mới, tái cấu trúc trong quản lý vận hành thì mới có thể tiếp tục tồn tại trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định từ dịch Covid-19 hiện nay.
Ông Chu Tiến Dũng nêu ý kiến: "Chưa bao giờ cả nước có một sự đồng thuận trong nhận thức, hành động và trong các chương trình phòng, chống dịch cũng như là xây dựng phát triển kinh tế cao như lúc này. Trong tình hình mới để phục hồi sau dịch, chúng tôi phải tự nhìn lại mình và tự tái cấu trúc, đổi mới để tự tiếp tục phát triển trong điều kiện bình thường mới, doanh nghiệp cần phải xây dựng những phương thức quản lý mới, mô hình quản lý mới đảm bảo được các điều kiện bình thường".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động. Ở nước ta việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 12/10.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Cộng nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, cần có hệ thống chính sách mới phù hợp với "điều kiện bình thường mới” doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, cần lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện "bình thường mới”. Cùng với đó, nên mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định không còn phù hợp; xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định. Từ đó, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Tấn Công nêu rõ: "Với niềm tự hào Ngày Doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, giới doanh nhân Việt Nam tin tưởng và khẳng định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất – kinh doanh. Từ đó đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của nước ta trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra".
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với bản lĩnh vững vàng, tinh thần vượt khó, cùng đoàn kết, đổi mới sáng tạo được tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: BIDV, Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Vinamilk... Việt Nam cũng đã có 6 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 của Tạp chí Forbes.
Với quy mô xuất khẩu năm 2020 đạt 281 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 544 tỷ USD, nước ta đã vươn lên vị trí 22 và 26 thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế. Điều này đã và đang thể hiện rõ vai trò của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
(Theo VOV)