Công nghiệp Yên Bái khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/10/2021 | 7:48:38 AM

YênBái - Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngành công nghiệp của tỉnh từ chỗ chỉ có vài chục cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, lạc hậu nay đã có trên 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ và vừa, khoảng 6.000 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phân bổ rộng khắp các địa bàn toàn tỉnh. Công nghiệp nông thôn từ chỗ hầu như không có, đến nay gần 100% số xã trong tỉnh đều có các cơ sở sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất chiếm đến 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh kiểm tra sản xuất, kinh doanh tại VNPT Yên Bái.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh kiểm tra sản xuất, kinh doanh tại VNPT Yên Bái.

Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tiềm năng phát triển kinh tế công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Nhờ chú trọng quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, mỗi năm bình quân Yên Bái khai thác gần 600.000 m3 gỗ rừng trồng, 171.000 tấn sắn củ, 74.000 tấn chè búp tươi, 20.000 tấn quế vỏ, 60.000 tấn tre măng Bát độ… phục vụ cho chế biến. 

Yên Bái còn có tiềm năng về khoáng sản như: đá vôi trắng với trữ lượng khoảng 600 triệu m3, quặng sắt 200 triệu tấn; quặng Grafit trên 1,3 triệu tấn, đất hiếm với trữ lượng khá... hiện đang được khai thác phục vụ cho công nghiệp chế biến. Tỉnh cũng có nguồn thuỷ điện trên 800 MW, vùng có bức xạ mặt trời trung bình khá phù hợp cho phát triển điện năng lượng mặt trời. Cùng đó, nguồn nhân lực trẻ, năng động đã và đang được đào tạo... là tiềm năng và là lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. 

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngành công nghiệp của tỉnh từ chỗ chỉ có vài chục cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, lạc hậu nay đã có trên 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ và vừa, khoảng 6.000 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phân bổ rộng khắp các địa bàn toàn tỉnh. Công nghiệp nông thôn từ chỗ hầu như không có, đến nay gần 100% số xã trong tỉnh đều có các cơ sở sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất chiếm đến 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. 

Những năm qua, Yên Bái đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho phát triển công nghiệp. Trong chế biến nông - lâm sản thực phẩm, từ chỗ chỉ có vài nhà máy sản xuất chè đen xuất khẩu, chất lượng sản phẩm thấp, đến nay đã có 65 nhà máy với sản lượng 30.000 tấn chè khô xuất khẩu/năm, sản phẩm chè xanh chất lượng cao đã chiếm gần 20% sản lượng. 

Riêng sản phẩm chè Suối Giàng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm tinh bột sắn từ chỗ không có, đến nay đã đạt 20.000 tấn/năm. Với tỷ lệ che phủ rừng trên 60%, ngành sản xuất chế biến gỗ của Yên Bái đã có sự phát triển vượt bậc. 

Từ chỗ khai thác gỗ rừng tự nhiên, bán gỗ rừng trồng dạng nguyên liệu, nay toàn tỉnh đã có trên 400 cơ sở chế biến, sản lượng gỗ chế biến các loại hàng năm đạt trên 200.000 m3 với nhiều sản phẩm đa dạng như: ván ép, gỗ ghép thanh, viên nén, đồ gỗ nội thất gia đình... được xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Yên Bái đã hình thành các nhà máy chế biến quế vỏ hữu cơ, sản xuất tinh dầu quế cho thu nhập kinh tế cao. 

Ngoài ra, một số sản phẩm mới đã và đang phát triển nhanh như chế biến măng tre Bát độ, chế biến quả sơn tra... tập trung ở các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải. Ngành khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, từ chỗ chỉ có một số cơ sở khai thác đá xây dựng, sản xuất gạch nung, sản xuất xi măng lò đứng... công nghệ thấp, nay tỉnh đã có 112 mỏ được đưa vào khai thác, trên 50 doanh nghiệp đầu tư chế biến khoáng sản. 

Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác và chế biến hiệu quả cao với công nghệ hiện đại như sản xuất xi măng lò quay đạt 1,8 triệu tấn/năm; sản xuất gạch nung sản lượng đạt 150 triệu viên/năm; phát triển sản xuất gạch không nung; khai thác và chế biến đá vôi trắng đạt sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Khai thác một số khoáng sản khác phục vụ cho chế biến trong và ngoài tỉnh như: quặng sắt, chì kẽm, graphite, đất hiếm... 



Sản lượng gỗ chế biến các loại của tỉnh đạt trên 200.000m3/năm. 

Từ chỗ chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống, đến nay nhiều doanh nghiệp đã phát triển thêm một số sản phẩm công nghiệp mới như: bao bì Jumboo, hạt nhựa phụ gia, tôn xốp, đá nhân tạo... Nhiều sản phẩm công nghiệp tạo được uy tín, thương hiệu đối với khách hàng và được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với số lượng lớn, đơn hàng ổn định. Đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và cho ngân sách tỉnh phải kể đến ngành sản xuất điện. 

Từ chỗ chỉ có Nhà máy Thủy điện Thác Bà, công suất 120 MW, đến nay tỉnh đã khai thác và đi vào phát điện với 24 nhà máy thủy điện, công suất 490 MW, sản lượng điện sản xuất đạt 1,8 tỷ KWh. Hiện tại, tỉnh đang tích cực khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư để phát triển tiềm năng nguồn điện mặt trời, điện sinh khối trên địa bàn với những chính sách thông thoáng, cởi mở. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển khá. 

Điển hình là ngành may mặc, từ chỗ rất nhỏ bé đến nay đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực với sản lượng quần áo may sẵn cung ứng ra thị trường đạt 18 triệu sản phẩm/năm. Nếu như 30 năm trước, Yên Bái chưa có các khu, cụm công nghiệp nào thì nay, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng 3 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 628 ha; 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích trên 548 ha và đang tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư. 

Trong điều kiện khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, song Yên Bái vẫn là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến hết năm 2020, tổng số dự án còn hiệu lực triển khai là 385 dự án, trong đó số dự án trong nước là 357 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 86.600 tỷ đồng; số dự án nước ngoài là 28 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 300 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 12%, giá trị sản xuất đạt 13.000 tỷ đồng năm 2020, ngành công nghiệp đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Để đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 29 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu đến năm 2025 đóng góp của ngành công nghiệp chiếm khoảng 25% GRDP toàn tỉnh, là khu vực đóng góp nguồn thu quan trọng, chủ lực của ngân sách địa phương... 

Yên Bái đang tập trung xây dựng phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tăng cường mối liên kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm sản tập trung, quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Song song với khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa... 

Đặc biệt, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, đưa công nghiệp Yên Bái phát triển, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Thanh Hương

Tags Yên Bái động lực của nền kinh tế công nghiệp tiềm năng thế mạnh chế biến nông - lâm sản thực phẩm chè Suối Giàng măng tre Bát độ Sơn tra nông thôn mới Nghị quyết số 29

Các tin khác

Trước đây công tác quản lý đất đai tại huyện vùng cao Trạm Tấu nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, được sự đầu tư của Nhà nước và sự vào cuộc các ngành chức năng, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Trạm Tấu đang từng bước được thực hiện chặt chẽ.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hành khách đảm bảo giãn cách khi đến mua vé tại ga Hà Nội. Ảnh: Đường sắt Việt Nam.

Chiều nay, 13/10, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm 1 đôi tàu khách SE5/6 trên tuyến Bắc – Nam nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của người dân...

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa

Đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản. Nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục