Quy định mới về nông sản Việt Nam vào Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/10/2021 | 2:12:16 PM

Đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản. Nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa

9 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam, đạt gần 6,8 tỷ USD, chiếm 19% thị phần. Những con số này cho thấy bất kể những thay đổi nào trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đều tác động không nhỏ tới thị trường của Việt Nam.

Trung Quốc đã ban hành lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và lệnh 248 ban hành quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc. Hai lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2022.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải tuân thủ một loạt những quy định mới nếu muốn tiếp tục xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có hơn 1.300 vùng trồng, hơn 1.500 cơ sở bao gói sản phẩm đã được phía Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch, với 9 loại trái cây bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. Tuy nhiên, việc chuyển sang quản lý nhập khẩu chính ngạch, thay vì trao đổi biên giới, mậu biên như trước đây đòi hỏi các doanh nghiệp phải sớm có giải pháp thích ứng.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu chính ngạch đơn giản chỉ là việc ký kết hợp đồng với những điều khoản hết sức cụ thể về thời gian, địa điểm, cũng như phương thức giao hàng, thanh toán trong đó quy định trách nhiệm và quyền lợi rất rõ ràng. Như vậy việc thay đổi, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc sẽ đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Thư Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: "Tổng cục Hải quan Trung Quốc có ban hành 2 cái lệnh 248 và 249, thực sự là họ chuẩn hoá quy trình quản lý thực phẩm nhập khẩu không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Để không làm đứt gãy thương mại giữa 2 nước, chúng tôi đã tổ chức phổ biến cho các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp về các quy định này, sẵn sàng chuẩn bị điều kiện, để doanh nghiệp nào muốn bổ sung sau ngày 1/1/2022 thì phải theo đúng quy định này".

Cụ thể doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 18 nhóm mặt hàng thực phẩm vào Trung Quốc phải đăng ký trước như thịt và các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa, rau tươi và khô, các loại trái cây sấy khô. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm thay vì cơ quan quản lý như trước đây.

Chủ động tránh đứt gãy xuất khẩu vào Trung Quốc

Những quy định mới của Trung Quốc với nông sản nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau, trong đó sẽ có rất nhiều quy định mới và chưa có tiền lệ.

Ví như một loại sản phẩm nhãn sấy khô trước giờ xuất khẩu vào Trung Quốc khá nhiều và khá dễ dàng nhưng nay doanh nghiệp có nhãn sấy xuất khẩu sẽ phải đăng ký trước với phía Trung Quốc, phải chứng minh năng lực sản xuất, chế biến, đóng gói đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm từ phía nước bạn.

Ngoài ra, còn phải có bao bì nhãn mác, ghi đầy đủ thông tin từ cách sử dụng, hạn sử dụng. Để tránh đứt gãy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp đã có sự chủ động.

Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp Việt Nam phải có hẳn một kế hoạch, chiến lược giám sát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào, đến khâu chế biến đóng gói sản phẩm chặt chẽ thì mới đảm bảo được yêu cầu chất lượng từ phía Trung Quốc.

Hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao. Một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, để vượt qua các rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều, phát triển xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp và các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác

Tính đến hết tháng 8/2021, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành phối giống được 3.119 con trâu, bò cái sinh sản, tỷ lệ phối đạt 93%, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ tổ chức phối giống cho 4.200 con trâu bò, đạt 120% so với kế hoạch.

Dự án kè chống sạt lở sông Hồng đoạn qua khu vực đền Tuần Quán, thành phố Yên Bái đang được đẩy nhanh tiến độ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá một số vật liệu tăng cao, song Yên Bái vẫn quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi công cộng, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất.

Mô hình vay vốn chăn nuôi bò của gia đình chị Nguyễn Thị Lan Anh, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và 36 hội cấp huyện.

Xe khách hoạt động trở lại ngày 13/10 với 8 tuyến.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố 8 tuyến xe khách liên tỉnh có thể hoạt động trở lại từ ngày hôm nay (13/10).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục