Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả Nghị quyết số 24/2021/QH15 nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15; xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động thực hiện Nghị quyết trên phạm vi cả nước.
Chủ động triển khai gắn với trách nhiệm
Yêu cầu của Kế hoạch là bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 24/2021/QH15 để xây dựng giải pháp, cơ chế quản lý, điều hành Chương trình; đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết hiệu quả, chất lượng và đạt được mục tiêu đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2021-2025.
Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ quản Chương trình, các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình là các bộ, cơ quan Trung ương và cơ quan thực hiện Chương trình ở địa phương là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15.
Kế hoạch thực hiện Chương trình
Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai Chương trình.
Rà soát, xây dựng ban hành theo thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15.
Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo các cấp trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình bảo đảm đúng mục tiêu đã được phê duyệt.
Trong đó, trong quý IV/2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 Quyết định, gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cơ chế đặc thù rút gọn, cơ chế lồng ghép nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
(Theo dangcongsan.vn)