Trong văn bản kiến nghị một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, dù quy mô đàn heo của Việt Nam đứng thứ 6 - 7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới nhưng điều khiến người chăn nuôi đau đầu vẫn là giá heo hơi, giá gia cầm biến động thất thường, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.
Còn theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tháng 9-2021 giá heo tiếp tục giảm. Đầu tháng 10, giá bình quân đang dao động 40.000 - 49.000 đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40.000 đồng/kg, heo thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%. Trong khi đó, giá gia cầm sau thời gian chạm đáy đã tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Tại Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 diễn ra mới đây, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bắc Giang Lê Văn Dương bày tỏ lo ngại khi giá thịt heo xuống mức thấp, hiện giá heo xuất chuồng ở Bắc Giang xuống mức 32.000-35.000 đồng/kg, với giá hiện tại người dân đang thua lỗ nặng.
Cùng quan điểm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, cho biết giá heo xuất chuồng ở Nam Định chỉ ở mức 35.000-36.000 đồng/kg. Với giá thấp như vậy, người chăn nuôi cũng không tái đàn nên việc đảm bảo nguồn cung cuối năm vẫn còn bỏ ngỏ.
Hai địa phương này cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát, hạn chế việc nhập khẩu thịt heo.
"Giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi heo nái đến nuôi heo thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Như vậy với mức giá heo hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg" - Cục Chăn nuôi cho biết thêm.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2020 nhập khẩu thịt heo tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44%... so với năm 2019. Còn 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 256,8 nghìn tấn, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn.
Để giúp ngành chăn nuôi trong nước sớm khôi phục sản xuất qua đại dịch và phát triển bền vững, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.
Cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng hoặc giữ mức thuế nhập khẩu với mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời đề xuất gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất ngành chăn nuôi, trong đó có hạng mục hỗ trợ lãi suất tín dụng cho người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất.
(Theo TTO)