Trong những năm gần đây, cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, Yên Bái cũng hết sức quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu… nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Yên Bái được đánh giá là một trong những địa phương tốp đầu của cả nước về thực hiện tốt và hiệu quả Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là thực hiện Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 -2020. Qua đó, thực hiện tốt chủ trương nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết về sự cần thiết trong sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường. Đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý vận hành công trình cấp nước cũng như bảo vệ các tác động bên ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn sinh thủy.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân và tăng cường các giải pháp thi công công trình nhằm duy trì và tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là trên 171 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn WB hỗ trợ trên 169 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng địa phương là trên 1,3 tỷ đồng. Đã đầu tư xây dựng 26 công trình cấp nước theo danh mục, đạt 11.824/ 11.000 đấu nối cấp nước, đạt 108% kế hoạch của chương trình.
Đối với tiểu hợp phần cấp nước và vệ sinh trường học, đã đầu tư xây dựng hoàn thành 67 công trình cấp nước, 56 công trình vệ sinh trường học đạt trên 120% kế hoạch. Hợp phần vệ sinh nông thôn hỗ trợ làm 4.054/ 7.350 nhà tiêu đã phê duyệt. Hợp phần cấp nước và vệ sinh trạm y tế, hoàn thành 56 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế của 51/58 trạm, đạt 88% kế hoạch. 50/50 xã đạt vệ sinh toàn xã, đạt 100% kế hoạch, trong đó năm 2018 có 11 xã được công nhận, 2019 có 13 xã, 2020 có 26 xã. Bên cạnh đó, còn làm tốt công tác truyền thông, tăng cường năng lực giám sát từ tỉnh đến cơ sở và tổ chức 81 hội nghị, 112 lớp tập huấn, trên 1.000 cuộc họp dân và 65 cuộc mít tinh.
Nhờ vậy, đến hết năm 2020 đã có 599.269 người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 91%. Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tới, Yên Bái đề ra mục tiêu đến hết năm 2025 đưa dân số nông thôn có sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 79.534 người, đạt tỷ lệ 98%.
Trong đó, công trình nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan... cho 45.000 người; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cung cấp cho khoảng 34.534 người với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và các chương trình có hợp phần cấp nước nông thôn để bố trí xét nghiệm nước ngoại kiểm và đào tạo tập huấn công tác quản lý vận hành các công trình hàng năm.
Song song với đó là tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, công tác truyền thông, vận động xã hội, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội vào sự phát triển cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Điều tra đánh giá hiện trạng để có phương án sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước và phát triển công trình cấp nước. Từng bước thay thế dần các công trình cấp nước truyền thống bằng các công trình có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Khuyến khích các hình thức góp vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh để đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tạo cơ hội cho các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... giúp nhau góp vốn, vay vốn tín dụng hoặc bỏ vốn tự có đầu tư vào các dịch vụ cấp nước và vệ sinh nông thôn.
Thời gian tới, Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới năm 2021 tiếp tục được triển khai với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường cách tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng mới 1 công trình cấp nước với 450 đấu nối; triển khai can thiệp tại 16 xã, trong đó có 6 xã được công nhận đạt tiêu chí "Vệ sinh toàn xã”; xây mới, cải tạo 1.860 nhà tiêu, góp phần đưa tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 73%; xây dựng, cải tạo công trình cấp nước vệ sinh cho 8 trạm y tế; xây dựng thể chế và cung cấp nguồn lực cần thiết việc thiết kế, thực hiện, quản lý và duy trì các công trình vệ sinh và cấp nước.
Thanh Phúc