Trấn Yên đẩy mạnh phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/10/2021 | 7:49:28 AM

YênBái - Thiên nhiên ưu đãi với nhiều di tích lịch sử, đa dạng bản sắc văn hóa và có nhiều đặc sản nông nghiệp, người dân thân thiện, hiếu khách..., là những yếu tố quan trọng để Trấn Yên xây dựng và phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

Mùa sen ở Vân Hội. (Ảnh: Thanh Miền)
Mùa sen ở Vân Hội. (Ảnh: Thanh Miền)

Thực hiện Kế hoạch số 23 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2021, huyện Trấn Yên đã ban hành Kế hoạch số 52 về phát triển du lịch huyện. Đồng thời, triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch địa phương, tour, tuyến du lịch, các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. 

Huyện chủ trương khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mường, Cao Lan, Mông. 

Là vùng giao thoa văn hóa giữa vùng miền núi Đông Bắc với vùng miền núi Tây Bắc, hằng năm, huyện Trấn Yên thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch với nhiều hoạt động đa dạng, tạo hiệu quả mạnh mẽ trong việc quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống đặc sắc, các sản phẩm của địa phương. 

Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Huyện đã tập trung khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các địa phương như: lễ hội đình Làng Dọc của dân tộc Tày (xã Việt Hồng), lễ hội đền Hóa Cuông (xã Hòa Cuông), lễ hội Lồng tồng (xã Kiên Thành), lễ hội đình Kỳ Can (xã Y Can), lễ hội đình và đền xã Quy Mông...

Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc được khai thác, khôi phục như: đàn môi, kèn lá, múa trống, sáo của dân tộc Mông; múa chạy rùa, lễ cấp sắc, trống tang sành của dân tộc Dao; múa chim gâu xúc tép của dân tộc Cao Lan...

Xã Vân Hội đang được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Trấn Yên. Mỗi năm địa phương này thu hút hàng chục nghìn du khách. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Thác Quẽ, Ao Xanh, thác Vòi Rồng, Ngòi Vần..., vài năm trở lại đây, nhận thấy thú chơi sen, ngắm sen được giới trẻ và nhiều người ưa chuộng, người dân xã Vân Hội đã mở rộng vùng trồng sen, dựng chòi trên hồ, trang bị một số thuyền, bè để phục vụ khách du lịch ngắm cảnh hồ. Khách du lịch thăm quan còn được thưởng thức các món ăn dân dã, tươi ngon như: gà hấp cuộn lá sen, cá nướng, cua chiên, ốc sào, ếch om và nhiều món ăn hấp dẫn khác. 

Anh Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch UBND xã Vân Hội chia sẻ: "Thực tế cho thấy, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là cơ hội mở rộng kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, một khi du lịch nông thôn phát triển sẽ kéo theo sự tăng trưởng về mặt kinh tế - xã hội, phục hồi môi trường sinh thái tại địa phương, làm cho ý thức tự giác của người dân được nâng lên. Phong trào "người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” đang ngày càng trở nên sôi động hơn. Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số điểm du lịch như: Sen quê Vân Hội, Thung lũng hoa ven hồ, Ao Xanh và 1 mô hình homestay…”.

Xã Việt Hồng có di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh như đình Trung, Nhà ông Trần Đình Khánh, đình Làng Dọc, hang Dơi và các điểm thăm quan, du lịch trải nghiệm thác Trường Thọ, Ao Sen bản Nả, hệ thống hang động trong các khu rừng tự nhiên… được nhiều người biết đến. Mỗi năm, xã đón trên 2.000 lượt du khách trong và ngoài tỉnh, số lượng du khách tăng theo từng năm. 

Để phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, của huyện lựa chọn bản Nả và bản Vần là 2 bản có nhiều ưu thế phù hợp với việc xây dựng mô hình làng bản du lịch cộng đồng (homestay) theo mô hình tổng hợp gắn kết với các điểm tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng, tạo thành các tour du lịch khép kín. Đến nay, xã đã xây dựng được 1 mô hình du lịch dịch vụ lưu trú homestay; hiện có 5 gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng. 

Anh Hoàng Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Với đặc thù của vùng chiến khu cách mạng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cùng với điều kiện khí hậu mát mẻ, thiên nhiên kỳ vĩ, xã chú trọng xây dựng thành công bước đầu một số mô hình du lịch homestay, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch của địa phương”.



Tiết mục múa hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, xã Hòa Cuông. 

Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng những năm tới, huyện Trấn Yên chú trọng khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa; tôn tạo và bảo tồn các di tích, phát huy các giá trị văn hoá, bản sắc văn hóa dân tộc; khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dịch vụ nhà nghỉ tại trung tâm huyện và mở các cụm du lịch; quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Trấn Yên; nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương khác để có bước đi đúng trong quy hoạch xây dựng và phát triển du lịch phù hợp với địa phương. 

Đồng chí Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn tới, huyện tiếp tục kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống và loại bỏ các hủ tục với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến nhưng vẫn đậm bản sắc. Qua đó, vừa giữ được truyền thống dân tộc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. 

Bên cạnh đó, khảo sát, nâng cấp, chỉnh trang những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch tại các địa phương trong huyện; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để thu hút du khách. Huyện xác định ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng đồng bộ, hài hòa, phù hợp điều kiện từng địa phương. 

Theo đó, khuyến khích các địa phương khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; khuyến khích người dân tham gia xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp...

Anh Dũng

Tags du lịch Trấn Yên du lịch cộng đồng

Các tin khác
Các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng do thiếu nước đã làm sụt giảm mạnh nguồn thu vào ngân sách (ảnh có tính minh họa).

Năm 2021, huyện Mù Cang Chải được tỉnh giao kế hoạch thu ngân sách (TNS) Nhà nước là 141 tỷ đồng. Trong đó, thu cân đối 96,5 tỷ đồng, thu từ tiền giao đất 45 tỷ đồng. Đây là số thu tương đối lớn đối với một huyện vùng cao phần lớn người dân dựa vào nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp khó khăn, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào thời tiết.

Xã Suối Giàng tích cực triển khai nhiều giải pháp để quản lý khoáng sản chưa khai thác.

Thời gian qua, huyện Văn Chấn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Ngày 28/10, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Yên Bái năm 2021.

Phú Quốc được chọn là nơi thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh được lựa chọn thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình tour du lịch trọn gói. Du khách đến Việt Nam sau khi xét nghiệm âm tính COVID-19 sẽ tham gia hoạt động du lịch ngay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục