Lục Yên nâng cao giá trị nông sản địa phương

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/11/2021 | 7:35:55 AM

YênBái - Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện Lục Yên triển khai với nhiều giải pháp cụ thể gắn với những sản phẩm nông sản đặc trưng tại địa phương như: vịt bầu, măng mai khô Lâm Thượng, cá bỗng, gạo nếp Khánh Thiện, lạc ri đỏ Minh Tiến…

Các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2020 tại Hà Nội.
Các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2020 tại Hà Nội.

Những ngày này, trên 150 ha lúa nếp Lào mu, xã Khánh Thiện đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Đây là giống nếp truyền thống của địa phương, được bà con dân tộc Tày ở đây gieo trồng từ lâu đời. 

Theo ông Hoàng Thái Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện, sản phẩm gạo nếp Lào mu có đặc điểm hạt to, mẩy, tròn, đặc biệt khi đồ lên thành xôi thì có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm dẻo mà không phải giống gạo nếp nào cũng có được. Vì thế, địa phương đã quyết định lựa chọn lúa nếp Lào mu để xây dựng sản phẩm OCOP. 

Theo đó, xã đã vận động nhân dân thành lập Hợp tác xã Nông lâm thủy sản Khánh Thiện; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức 4 lớp tập huấn cho 246 hội viên nông dân về Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với tiêu thụ sản phẩm gắn với canh tác bền vững.

Ngay sau khi thu hoạch, địa phương sẽ hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng. Khi trở thành sản phẩm OCOP, việc canh tác lúa nếp Lào mu sẽ có mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định bền vững, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cùng với lúa nếp Lào mu ở Khánh Thiện, năm 2021, huyện Lục Yên lựa chọn 2 sản phẩm khác để xây dựng sản phẩm OCOP là cao gắm và giảo cổ lam. Đây đều là những sản phẩm được chiết xuất từ những cây dược liệu quý tại địa phương. 

Ông Tăng Kết Dư - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, đơn vị tích cực phối hợp với các bên liên quan thành lập đoàn trực tiếp đi xuống cơ sở, gặp các chủ thể để xác định rõ các sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP; đánh giá chấm điểm theo bộ tiêu chí OCOP, xác định điểm số của từng sản phẩm, các tiêu chí đã đạt và các tiêu chí còn thiếu để đưa ra phương hướng thúc đẩy, hỗ trợ cho chủ thể; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tiếp tục đăng ký; hoàn thiện các nội dụng còn thiếu theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm các cấp. 

Được biết, từ khi bắt tay thực hiện Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông sản của huyện Lục Yên cũng được lựa chọn, đưa vào xây dựng thành sản phẩm OCOP như: lạc ri vỏ đỏ, cam sành Lục Yên, khoai tím, măng mai Lâm Thượng... 

Tính riêng trong 9 tháng năm 2021, huyện Lục Yên có 2 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá 3 sao, nâng số sản phẩm toàn huyện lên 11 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá đạt 3 sao gồm: dầu lạc đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, dầu vừng Thái Sơn, dầu đỗ tương, lạc ri vỏ đỏ, cam sành Lục Yên, khoai tím, măng mai Lâm Thượng, xúc xích thỏ, cao gắm, giảo cổ lam. 

Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh cho biết: các sản phẩm sau khi được gắn sao được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưu tiên sử dụng. Với công suất hiện nay, tính ra, Hợp tác xã tiêu thụ giúp nông dân trên địa bàn khoảng 20 - 25 tấn lạc các loại mỗi vụ. Qua các kênh xúc tiến thương mại, đến nay, các sản phẩm OCOP của đơn vị đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn quốc, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và thu nhập cho người nông dân. 

Qua gần 3 năm triển khai, chương trình OCOP đã nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp huyện Lục Yên đồng thời góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân.

Hùng Cường

Các tin khác
Bộ VHTT&DL sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ và xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044/VPCP-KGVX ngày 02/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao văn bản hợp tác giữa tập đoàn T&T và đối tác nước ngoài.

Gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận với tổng giá trị cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.

Người dân mua rau xanh tại một điểm bán hàng trên đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên giá rau xanh tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Yên Bái trong nhiều ngày nay đã tăng mạnh so với mức bình quân thường ngày, thậm chí nhiều loại còn tăng gấp hai, gấp ba lần. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt do giá tăng cao mà nhiều tiểu thương cũng chịu ảnh hưởng khi sức mua giảm.

Dự án sân bay Long Thành được bổ sung trong quy hoạch 2021-2030.

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục